Đây là ý kiến chân thành và gợi mở nhiều suy ngẫm.
Cuộc chiến chống tham nhũng luôn đòi hỏi niềm tin và hy vọng của cộng đồng. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Nhiều vụ án tham nhũng phức tạp đã được xử lý đúng tinh thần “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”. Với quyết tâm “lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”, cuộc chiến chống tham nhũng đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 32,04%.
Trong năm 2020, dù tăng cường ứng phó đại dịch toàn cầu, nhiều vụ án tham nhũng vẫn được phát hiện và đưa ra xét xử. Tiêu biểu như vụ án “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xung quanh việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gọi là "ăn quá dày”.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng không thể chỉ trông cậy vào sự bao quát của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, mỗi địa phương cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở cơ sở, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đặc biệt, tệ nạn “tham nhũng vặt” cần có biện pháp đẩy lùi hiệu quả. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: “Trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ hành chính, quan trọng hơn hết phải đảm bảo thời gian trả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp và giảm bớt sự phiền hà người dân. Lãnh đạo cơ sở cần vận động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hết lòng, hết sức vì công việc, với nhiệm vụ được giao để kéo giảm tình trạng “cò giấy tờ” tồn tại như hiện nay”.
Tham nhũng xuất phát từ động cơ cá nhân, nhưng không thể tác oai tác quái trong giới hạn cá nhân. Tham nhũng luôn gắn chặt với lợi ích nhóm. Nói cách khác, tham nhũng là chuỗi liên minh giữa “thầy” và “tớ” nhằm vơ vét cho thỏa lòng tham. Chỉ riêng sai phạm trong quản lý thu phí đối với dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, 2 bị cáo từng là Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã cùng 18 bị cáo gây thất thoát của Nhà nước tổng số tiền 725 tỷ đồng.
Do vậy, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng lưu ý nhiệm vụ then chốt là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý, phụ trách.
Song quan trọng hơn phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân”.
Để tham nhũng không còn là khuyết tật của quyền lực, phải có cơ chế để quan chức không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng. Kết quả điều tra tâm lý tội phạm đã chứng minh, trộm cướp mỗi khi hành động đều sợ hãi 3 yếu tố: đèn sáng, chó sủa và cảnh sát. Tham nhũng cũng giống như trộm cướp, chỉ thay đổi ít nhiều về sự khắc chế. Thứ nhất, “đèn sáng” là sự công khai và minh bạch. Thứ hai, “chó sủa” là sự giám sát của dư luận. Thứ hai, “cảnh sát” là những quy định chặt chẽ và những trừng phạt thích đáng.
Chống tham nhũng là cuộc chiến để giành thắng lợi kép, vừa lấy lại tài sản cho Nhà nước vừa lấy lại đạo đức cho nhân quần. Do vậy, không thể lấy nguyên lý mơ hồ “tham nhũng là khuyết tật của quyền lực” để nao núng trước loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này. Ai cũng biết cuộc chiến chống tham nhũng rất khó khăn và nhiều thử thách, nhưng không ai có quyền nản chí. Đối đầu với tệ nạn tham nhũng, kiên trì chưa chắc đã thành công tuyệt đối, nhưng buông xuôi sẽ nhất định thất bại ê chề.