Nhiều doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội tại chương trình “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2021” do UBND TPHCM chủ trì
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xem là bệ đỡ cho hoạt động sản xuất. Ở góc độ khác, CNHT còn là cầu nối để thu hút và giữ chân doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối trên toàn cầu. Nắm bắt yếu tố cần thiết này, TPHCM đang “làm mới” chính sách thu hút đầu tư kết hợp gia tăng quỹ đất để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT cung ứng cho các doanh nghiệp FDI đầu cuối.
Thị trường tiềm năng
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT, Sở Công thương TPHCM Lê Nguyễn Duy Oanh cho biết, chương trình “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2021” do UBND TPHCM chủ trì vừa qua đã có hơn 230 cuộc kết nối giao thương cung ứng sản phẩm CNHT giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước được thực hiện.
Các doanh nghiệp FDI đã đưa ra danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước, tập trung các ngành nghề điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động
hóa công nghiệp…
Khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nói chung, hay TPHCM nói riêng, đều cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tỷ lệ mua hàng nội địa. Hiện nhu cầu cung ứng sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp FDI ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM Đỗ Phước Tống cho rằng, doanh nghiệp trong nước đã và sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp FDI. Thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng nay đã được khắc phục và đang tăng tốc sản xuất nhằm bù đắp những đơn hàng bị gián đoạn trước đó.
Tuy nhiên, để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTI), Công Ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH BOSCH Việt Nam…, doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới trang thiết bị hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và cạnh tranh giá thành sản phẩm.
Trên thực tế, ngành CNHT của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Mặt khác, ngành CNHT đang gặp nhiều hạn chế về công nghệ; kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu; chính sách hỗ trợ; chất lượng nguồn nhân lực; thiếu các khu phát triển CNHT công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Cần hỗ trợ sâu
Nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu, ông Đỗ Phước Tống cho biết, công ty của ông đang đầu tư nhà máy mới ở khu công nghệ cao để sản xuất linh kiện, thiết bị cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Trong đó, tập trung sản xuất linh kiện trong bộ phận chuyển động số bằng công nghệ mới (hiện chưa có doanh nghiệp nào trong nước sản xuất nên các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu).
“Nhà máy đang xây dựng nhưng nhiều doanh nghiệp FDI đã gửi thông tin, bảng vẽ để chào giá và thương thảo”, ông Đỗ Phước Tống tâm sự.
Nhiều doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội tại chương trình “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2021” do UBND TPHCM chủ trì
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tỷ trọng đóng góp của sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 35,3% GRDP của thành phố nhưng sự phát triển công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn hạn chế. Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, mở ra cho nền công nghiệp thành phố nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Do vậy, để đón đầu cơ hội và đương đầu thách thức, sản xuất công nghiệp cần có bước tiến về chiều sâu với hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Về giải pháp tổng thể, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, để ngày càng có nhiều nhà máy cung ứng sản phẩm CNHT nội địa hình thành và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài chính sách hỗ trợ quỹ đất, thành phố cần trợ giá một phần tiền thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp đó, thành phố và Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo được thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp CNHT trong nước. Song song đó, cần thông tin, truyền thông rộng rãi, khuyến khích đầu tư, có cơ chế thẩm định, phê duyệt dự án đơn giản, hỗ trợ một phần lãi vay, thời gian hỗ trợ dài hơn do doanh nghiệp cần đầu tư máy móc hiện đại.
Trước thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT toàn cầu, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng cần có chính sách hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và chia sẻ thị phần để giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng bắt nhịp yêu cầu cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp của thành phố nói chung và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT nói riêng, thành phố đang quy hoạch xây dựng khu CNHT ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300ha, đồng thời phát triển những cụm CNHT phù hợp tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; đang xây dựng cơ chế chính sách về thuế, hải quan, vốn đầu tư kích cầu… để tạo nội lực cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ kết hợp mở rộng quy mô sản xuất, góp phần hình thành mạng lưới các nhà sản xuất CNHT Việt Nam có năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.