“Giao mùa” xoay quanh câu chuyện khác biệt thế hệ giữa những người Hà Nội, nên bên cạnh các diễn viên trẻ như Công Dũng, Thanh Huyền, Phương Oanh… khán giả được chứng kiến tài năng chín muồi của nhiều diễn viên gạo cội mà NSND Lan Hương là một thí dụ.
Nếu chủ quan, rất dễ đánh giá bộ phim “Giao mùa” tẻ nhạt hơn bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và bộ phim “Người phán xử”. So sánh như vậy hơi khiên cưỡng, vì cả “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” đều dựa theo cốt truyện của nước ngoài, vốn đã có sẵn tình tiết và xung đột, chỉ cần dàn dựng khéo léo là cuốn hút người xem ngay. Còn bộ phim “Giao mùa” lại thuần Việt, tác giả Việt tìm kiếm sự giằng co giữa những người Hà Nội hoài niệm và những người Hà Nội hội nhập. Lớp trẻ nghĩ khác, lớp già lại nghĩ khác, có chút thở dài, có chút ngao ngán, có chút cào xé ngay trong mỗi gia đình.

Phim truyền hình nước ta có cái đặc thù về kinh phí sản xuất. Bộ phim ít tập thì ê-kip méo mặt, nên cứ phải tìm cách dông dài thêm. Bộ phim “Giao thời” đến 45 tập, chi tiết hơi loãng. Thế nhưng, đạo diễn Trần Hoài Sơn vốn đã có kinh nghiệm làm những bộ phim ăn khách như “Cổ cồn trắng” hoặc “Vệt nắng cuối trời”, nên nếu chịu khó xem “Giao mùa” cũng có nhiều điều thú vị. Đặc biệt, những nhân vật lớn tuổi trong phim đã trình bày lối sống và cốt cách của những người Hà Nội gốc rất đáng suy ngẫm. Thể loại vai như vậy quá hợp với Lan Hương, vì chị sinh ra và gắn bó cả đời với mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến. Hoàn toàn đối lập với vai mẹ chồng cay nghiệt trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”, vai bà Nga trong “Giao mùa” đúng chất của Lan Hương. Ở ngoài đời, Lan Hương cũng mang đến cho mọi người cái cảm giác tương tự: hiền lành, nề nếp và nhẫn nại. Hình ảnh bà Nga trong bộ phim truyền hình “Giao mùa” khiến khán giả liên tưởng đến một hình ảnh mà Lan Hương từng khá thành công trong bộ phim điện ảnh “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Cách nhau 20 năm, từ “Mùa ổi” đến “Giao mùa”, diễn viên Lan Hương chỉ thay đổi về mặt danh xưng NSƯT và NSND, còn dung mạo và phẩm chất dường như vẫn bảo toàn nguyên vẹn. Đó là cái tài và cái duyên của một nghệ sĩ biết chọn cách cống hiến lặng lẽ và khiêm nhường. Lan Hương thường được đồng nghiệp gọi là Hương Bông, để phân biệt với Lan Hương từng đóng phim “Em bé Hà Nội”. Làng sân khấu Hà Nội có 2 diễn viên Lan Hương, một Lan Hương ở Nhà hát Kịch Việt Nam và một Lan Hương ở Nhà hát Tuổi Trẻ. 2 nhan sắc chỉ giống nghệ danh, chứ không thể trộn lẫn, vì mỗi người một vẻ. Lan Hương ở Nhà hát Tuổi Trẻ thì nổi tiếng từ tấm bé, còn Lan Hương ở Nhà hát Kịch Việt Nam đi từng bước trong nghề. Cuối cùng họ cũng thành NSND và cũng có sự nghiệp riêng. Nhắc những vai diễn của NSND suốt hơn 30 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, may ra chỉ có khán giả ở Hà Nội mới có may mắn từng được thưởng thức. Tuy nhiên, nói đến mối tình keo sơn giữa NSND Lan Hương và Đỗ Kỷ hầu như giới hâm mộ cả nước đều biết đến. Phải thừa nhận, Lan Hương - Đỗ Kỷ là cặp đôi lý tưởng bậc nhất trong làng nghệ thuật. Họ học chung khóa đào tạo diễn viên, rồi cùng về Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi cưới nhau và làm vợ làm chồng đầm ấm đến hôm nay. Nghệ sĩ vốn bay bổng và lãng mạn, nghệ sĩ vốn chênh chao giữa danh vọng và cám dỗ, nếu có bất kỳ sự xô lệch nào cũng rất đáng thông cảm. Vậy mà, Lan Hương với Đỗ Kỷ không có điều tiếng gì, không có rắc rối gì. Bản lĩnh ấy không phải mấy ai cũng có được. NSND Lan Hương bây giờ đã là bà nội của 2 đứa trẻ kháu khỉnh. Từng làm dâu một gia đình có 4 thế hệ sống chung, nên NSND Lan Hương rất thấu hiểu và rất chiều chuộng con dâu. Dĩ nhiên, Lan Hương làm mẹ chồng không hề giống nhân vật mà mình đã thể hiện trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. Phương pháp của Lan Hương là tạo điều kiện cho con dâu thoải mái nhất, ăn uống ngủ nghỉ tùy thích, không ăn được món này thì có thể chọn món khác. Nghĩa là quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của NSND Lan Hương ngoài đời theo mô-tip của bộ phim “Giao mùa” chứ không phải theo kịch bản của bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. NSND Lan Hương duy trì quan niệm rõ ràng: “Tôi vẫn nghĩ rằng, công việc kiếm tiền rất quan trọng, nhưng người phụ nữ cũng cần học cách làm vợ, làm mẹ vì theo tôi đây là nền tảng bền vững. Có một gia đình êm ấm và hạnh phúc bạn sẽ có động lực để làm việc lớn hơn rất nhiều. Cuộc sống con người rất dài, hôm nay ta trẻ có sức khỏe, có thể làm được nhiều việc, mai kia lớn tuổi cần sự chia sẻ, chỗ dựa của những đứa con, những người bạn tri kỷ”.