Riêng trong 6 tháng năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới, 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp (DN) FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. DN FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với DN Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng.
Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số DN FDI có hiện tượng trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường. Phải thừa nhận, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn lực to lớn từ đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có nhiều ưu đãi về chính sách thuế, các thủ tục cấp phép đối với các dự án FDI. Tuy nhiên, nhiều DN FDI lại lợi dụng các chính sách ưu đãi đầu tư này để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Tính riêng trong năm 2016, doanh thu của DN FDI tăng 21,7% so với năm 2015, cao hơn mức độ tăng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (15,5%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN này thuận lợi. Số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực DN FDI 161.608 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng ở mức cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu 16,3% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản 5,82%), song tình trạng DN thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước. Cụ thể, từ năm 2012-2016, số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm 44-51%.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng. Đây chính là những dấu hiệu về tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của DN FDI. Ngược lại, cũng đã xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận DN FDI đang hoạt động trong nước để được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập DN và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập DN.
Chẳng hạn, hiện nay một số dự án FDI quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập DN, như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%. Trong khi đó, các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.
Thực tế, Việt Nam là một trong số những quốc gia nằm trong khu vực có thuế suất thu nhập DN thấp. Chính việc chênh lệch thuế so với các nước khác đã tạo điều kiện cho DN FDI có xu hướng chuyển lợi nhuận để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Chưa hết, hiện đang có sự cạnh tranh ngầm để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài giữa các tỉnh thành, địa phương với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh xuống đáy để thu hút FDI. Đây cũng chính là một kẽ hở để DN FDI thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Từ thực trạng này, để việc thu hút, quản lý vốn FDI có hiệu quả, cần rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất đánh giá chính sách thu hút FDI cho giai đoạn tới. Trong đó, chính sách cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, vật liệu mới, linh kiện điện tử, xử lý nước thải, chất thải… Có cơ chế ràng buộc DN FDI đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm phụ trợ của DN Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN DFI.
Vấn đề cấp thiết hơn là cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ về DN FDI để phục vụ việc tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời.
Ở tầm rộng hơn, để quản lý giao dịch liên kết liên quan đến giá chuyển nhượng, Việt Nam cần theo sát những khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cũng như tham gia chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận”, do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức. Đây là điều kiện tiên quyết thắt chặt những quy định của Việt Nam, cho phép các cơ quan thuế có quyền đăng nhập sâu hơn vào hoạt động DN, như yêu cầu DN cung cấp báo cáo lợi nhuận đa quốc gia; tăng cường mối liên hệ, trao đổi với cơ quan thuế của các nước khác, trên cơ sở đó đưa ra những phân tích đánh giá chính xác.