Lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng

(ĐTTCO) - Trong hoạt động, các NH đều phải trải qua những giai đoạn bất lợi như cuộc khủng hoảng kinh tế, hoặc khủng hoảng tài chính. Để nâng cao khả năng ứng phó, Ủy ban Basel yêu cầu các NH xây dựng kịch bản kiểm tra sức khỏe để xác định liệu có đủ vốn để chịu được tác động của những bất lợi hay không. Tại Việt Nam, từ năm 2019, các NHTM cũng sẽ phải xây dựng những kịch bản này.


Những bài kiểm tra bắt buộc
Trong những năm gần đây, kiểm tra sức chịu đựng, hay còn gọi là thử nghiệm căng thẳng (stress testing-ST) thường được nhắc đến trong các nội dung có liên quan đến quản lý rủi ro NH. Đây là kỹ thuật mô phỏng thường được sử dụng trong ngành NH. Nó cũng được sử dụng trên danh mục tài sản và trách nhiệm pháp lý, để xác định phản ứng của các tổ chức đối với các tình huống tài chính khác nhau.
Ngoài ra, các bài kiểm tra ST sẽ đánh giá mức độ căng thẳng nhất định đến một công ty, ngành, hoặc danh mục đầu tư cụ thể. Thử nghiệm ST thường là các mô hình mô phỏng do máy tính tạo ra để kiểm tra các kịch bản giả định. 
 Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau, nhằm xác định khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM chi nhánh NH nước ngoài.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, báo cáo pháp lý quy định ngành tài chính, đặc biệt là các NH ở các nước phát triển, đã tập trung hơn vào kiểm tra căng thẳng và sự an toàn vốn. Bắt đầu từ năm 2011, các quy định mới tại Hoa Kỳ yêu cầu nộp tài liệu Phân tích và Đánh giá toàn diện về vốn (CCAR) cho ngành NH.
Tài liệu CCAR yêu cầu các NH báo cáo về thủ tục nội bộ của mình để quản lý vốn, và được yêu cầu phải có các kịch bản ST khác nhau. Ngoài báo cáo CCAR, các NH Hoa Kỳ còn bị Hội đồng ổn định tài chính của nước này quy định nếu là NH quá lớn (thường là những NH có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD), phải cung cấp báo cáo ST về lập kế hoạch cho tình huống phá sản. 
Hiện tại, Basel III đang có hiệu lực đối với các NH toàn cầu. Đây là bài kiểm tra ST đòi hỏi tài liệu báo cáo về mức vốn của NH với các yêu cầu cụ thể, để kiểm tra độ chịu đựng căng thẳng của NH trong các kịch bản khủng hoảng khác nhau. Tại Việt Nam, lần đầu tiên  năm 2010, NHNN đã  đề cập đến mô hình ST trong Thông tư 13/2010/NHNN-TT, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu. Đến Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18-5-2018, việc lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng đã được định nghĩa và quy định cụ thể.
Lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Tăng cường sức chịu đựng về thanh khoản và vốn
Thông tư 13 quy định bộ phận quản lý rủi ro của các NH phải lập tối thiểu 2 kịch bản kiểm tra sức chịu đựng, đó là kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng tiếp theo.
Các kịch bản được lựa chọn phải đảm bảo khả năng xảy ra trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô; tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn trong từng kịch bản; lập báo cáo kết quả kiểm tra sức chịu đựng (bao gồm số liệu định lượng và các phân tích, đánh giá định tính). 
Đơn cử kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản: NH có phương pháp tính toán tác động của các giả định, đảm bảo đánh giá được khả năng thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản. Các giả định, phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản phải được rà soát, tự đánh giá mức độ phù hợp. Kịch bản có diễn biến bất lợi có tối thiểu các giả định về tiền gửi, chất lượng tín dụng. 
Kế hoạch dự phòng tối thiểu có các nội dung sau: dự kiến các biện pháp xử lý về nguồn vốn, sử dụng vốn, dòng tiền tương lai đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quy định.
Hay như kiểm tra sức chịu đựng về vốn: NHTM, chi nhánh NH nước ngoài lập kịch bản có diễn biến bất lợi với tối thiểu các giả định về lãi suất, tỷ giá, chất lượng tín dụng và có phương pháp tính toán tác động của các giả định đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đảm bảo.
Cụ thể, đối với giả định về lãi suất, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro lãi suất), rủi ro lãi suất trên sổ NH theo giả định về lãi suất. Đối với giả định về tỷ giá, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường (rủi ro ngoại hối) theo giả định về tỷ giá.
Đối với giả định về chất lượng tín dụng, tính toán tác động đối với tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở thay đổi tương ứng của tổng tài sản tính theo rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng theo giả định về chất lượng tín dụng.
Căn cứ kết quả kiểm tra sức chịu đựng, các NH phải đánh giá tình hình tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các hạn chế khác để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định nội bộ. Lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản; tính toán vốn kinh tế trong kịch bản có diễn biến bất lợi để xác định vốn mục tiêu.

Các tin khác