Cụ thể, cửa van đầu tiên này có chiều ngang 40m, cao 9m, nặng khoảng 203 tấn, được lắp xuống giữa sông. Khâu lắp đặt rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật cao; bởi lắp đặt giữa sông, chịu áp lực lớn của dòng chảy và gió thổi... Ngoài ra, việc cố định thiết bị, di chuyển cửa vào khoang cống cần phải làm từng bước theo trình tự thống nhất; nhà thầu đã phải tập dợt 2-3 ngày cho thành thục mới tiến hành lắp đặt chính thức. Sau khi lắp thành công cửa van thép đầu tiên, thì tới đây sẽ tiếp tục lắp thêm 10 cửa van còn lại của dự án, nhằm đủ điều kiện vận hành phục vụ sản xuất vào tháng 6-2021.
Theo đó, công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 10-2019 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Đây là công trình thủy lợi được xem là lớn nhất cả nước về quy mô, tổng vốn đầu tư hơn 3.309 tỷ đồng; do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý.
Trước đó, cống Cái Bé đã bắt đầu vận hành từ đầu tháng 2-2021 (nhanh hơn một mùa khô theo tiến độ hợp đồng), nhằm kịp thời phòng chống hạn mặn, kiểm soát trên 20.000ha đất nông nghiệp, giúp địa phương tiết kiệm được chi phí đắp hơn 130 đập tạm. Đến nay, công trình cống Cái Bé đã xong trên 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 30-4. Đối với cống Cái Lớn có đặc tính kỹ thuật phức tạp, thi công khó; tuy nhiên đến nay đã hoàn thành trên 75% khối lượng, đang tiến hành lắp đặt các cửa van cống đợt 1 và thi công các phần việc còn lại.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công phấn đấu sớm đưa công trình vận hành toàn bộ cửa van vào tháng 6-2021, hoàn thiện toàn bộ công trình vào tháng 9-2021. Còn cống Xẻo Rô khởi công từ tháng 10-2020, đến nay đạt hơn 40% khối lượng, dự kiến vận hành cửa van vào tháng 9-2021, hoàn thiện toàn bộ công trình tháng 11-2021.
Mục tiêu công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, nhằm kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn.
Đối với giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi, với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241ha.