Lấy cắp thông tin thẻ có thể bị phạt từ 100-150 triệu đồng

(ĐTTCO) – Theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1-1-2022, hành vi lấy cắp thông tin thẻ ATM bị phạt đến 150 triệu đồng đối với cá nhân; đến 300 triệu đồng đối với tổ chức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Nghị định 88/2019 quy định, hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng.

Hiện tại, Nghị định 143/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019 đang áp dụng quy định mức phạt đối với hành vi này từ 100-150 triệu đồng. Cụ thể, hành vi lấy cắp, thông đồng lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng. 

Đồng thời, mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng cũng được áp dụng với một trong các hành vi vi phạm quy định về hoạt động thẻ NH sau: Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện việc sử dụng thẻ trả trước vô danh trên môi trường Internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động hoặc rút tiền mặt; Chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch thẻ, quyết toán giao dịch thẻ không đúng quy định của pháp luật về hoạt động thẻ NH; Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).

Nghị định 143 cũng sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 28 Nghị định 88/2019, phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật. Không từ chối thanh toán thẻ trong trường hợp sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch thẻ bị cấm theo quy định của pháp luật, thẻ đã được chủ thẻ thông báo bị mất, thẻ hết hạn sử dụng, thẻ bị khóa, sử dụng thẻ không đúng phạm vi đã thỏa thuận tại hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về phát hành và sử dụng thẻ. Nếu vi phạm điều này cũng áp dụng khung phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Hành vi vi phạm cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng hoạt động đại lý thanh toán; tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật; thu các loại phí ngoài biểu phí do bên giao đại lý quy định và công bố… sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc làm đại lý thanh toán để thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi giao dịch gian lận, giả mạo, chiếm đoạt tiền của khách hàng, hành vi giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời hành vi thực hiện hoạt động giao đại lý, làm đại lý thanh toán không phù hợp với nội dung ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của cấp có thẩm quyền quyết định và văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép (nếu có); bên đại lý thanh toán là tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đại lý cho bên thứ ba; giả mạo, mạo danh bên đại lý thanh toán… áp dụng mức phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Các tin khác