Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ của vaccine đã hết. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh này thấp hơn nhiều so với Covid-19.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn từ người nhiễm bệnh hoặc qua đồ vật bị nhiễm dịch mũi họng. “Bệnh có thể xuất hiện rải rác ở các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19 nên người dân cũng không phải quá lo lắng”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói và khuyến cáo, để phòng bệnh bạch hầu, quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine.
Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm, sau đó cần tiêm nhắc lại. Người dân cần chú ý phòng tránh bệnh sau khi đã nhiễm bệnh vì vẫn có nguy cơ mắc lại.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc vào năm 1983 xuống còn 10-50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm, giai đoạn 2004-2019).
Thống kê trong năm 2023, cả nước ghi nhận 57 người mắc bạch hầu, trong đó 7 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2024 tới nay, cả nước ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở Nghệ An.
Ngày 10-7, ngay sau khi có thông tin bệnh nhân P.H.D. (sinh năm 1968, ngụ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nghi mắc bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã tiến hành điều tra dịch tễ bệnh nhân, lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm (đang chờ trả lời kết quả). Đồng thời, phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hương Khê khẩn cấp phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại khu vực nhà bệnh nhân P.H.D. và điều tra lập danh sách khoảng 20 người tiếp xúc gần.