So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó xuất khẩu 24,5 tỷ USD và nhập khẩu 31,8 tỷ USD trong năm 2018.
Đặc biệt, việc gia nhập ASEAN không chỉ giúp Việt Nam tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, còn là hạt nhân để giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc...
Có thể khẳng định, việc triển khai hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ không thể thành công như mong đợi, nếu ta không phải là thành viên tích cực trong ASEAN.
Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI),
Tuy nhiên, trong báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018), khảo sát hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế của Việt Nam, cụ thể là với AEC, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp trong nước không biết AEC là 7,3%, biết ít 55,8%, biết một số 34,1% và biết tương đối kỹ chỉ 2,7%.
Thị trường ASEAN về cơ bản đã xóa bỏ hàng rào thuế quan, nhưng nhìn chung chúng ta chưa có nhiều sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác; môi trường cạnh tranh gay gắt hơn khi các quốc gia thành viên có đặc thù sản xuất khá tương đồng, có thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Thực trạng trên đòi hỏi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Bởi lẽ khi thị trường chung mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác, liên kết, đầu tư và tạo năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng tạo thách thức cho doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước làm sao cho doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh hơn.
Nhất là khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp Việt còn hạn chế do thiếu thông tin đang là thách thức. Hay nói cách khác, những thành quả hội nhập kinh tế ASEAN mang lại cho Việt Nam rất tích cực, song các thách thức ta gặp phải cũng không nhỏ.
PHÓNG VIÊN: - Ở khía cạnh kinh tế, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, theo ông chúng ta cần có những ưu tiên gì?
Ông VŨ TIẾN LỘC: - Trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, chúng ta cần thể hiện định hướng tiếp tục coi hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tinh thần chủ động, năng động trong việc triển khai các sáng kiến thực hiện AEC, góp phần phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, cũng như tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, nắm bắt chính sách để có thể đương đầu với sự cạnh tranh về cả chất và lượng hội nhập kinh tế mang lại.
- Năm 2020 sẽ tiếp tục đối mặt thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng chống tự do thương mại và toàn cầu hóa. Quan điểm của ông về các thách thức này?
- Những thách thức đó sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang nắm quyền với quan điểm cứng rắn hơn trước các vấn đề thương mại với Trung Quốc, cũng như chống xu hướng tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh phức tạp đó, điểm thuận lợi ở khu vực châu Á là các nước vẫn ủng hộ tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác kinh tế.
Dù cạnh tranh với nhau, các nước lớn vẫn coi trọng vai trò của ASEAN. Do đó, Việt Nam cần kiên trì các nguyên tắc của mình để duy trì vai trò trung tâm, tăng cường liên kết kinh tế nội khối để tăng sức mạnh từ bên trong.
Liên kết hợp tác cùng phát triển trong nội khối ASEAN là cơ hội cho Việt Nam, nhưng song hành cùng với nó là những thách thức không nhỏ. Ảnh: Viết CHUNG
Theo đó, chúng ta phải dự báo được những khó khăn của năm 2020 để có giải pháp ứng phó phù hợp. Như tôi đã từng đề cập, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang để lại rất nhiều khó khăn và rủi ro, khi 9 tháng năm 2019 xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc cao nhất từ trước đến nay (lên tới 62 tỷ USD).
Số liệu này cho thấy rủi ro gian lận thương mại, lợi dụng Việt Nam để giả mạo xuất xứ trốn thuế. Điều này ngược với dự báo của nhiều chuyên gia rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
Về Trung Quốc, họ đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới công nghệ, tạo nên bước nhảy vọt để cạnh tranh, buộc họ phải thay thế rất nhiều công nghệ. Các công nghệ này sẽ được đẩy sang các nước láng giềng và Việt Nam chắc chắn là nơi được tìm đến. Các doanh nghiệp trong nước vì thế phải rất lưu ý điều này.
Nếu các doanh nghiệp ôm những dây chuyền có công nghệ lạc hậu, Việt Nam sẽ không cạnh tranh được không chỉ trong việc xuất khẩu mà còn thua ngay trên sân nhà. Rõ ràng, áp lực cạnh tranh rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc muốn nâng cao công nghệ và diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
- Ông kỳ vọng gì về năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN?
- Chúng tôi kỳ vọng năm 2020 Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác, liên kết thông qua một đề xuất của chúng tôi, đó là dự án xây dựng mạng lưới kết nối, khởi nghiệp của ASEAN do Việt Nam chủ trì. Chúng tôi đã làm việc với Tổng Thư ký ASEAN, đã đề xuất với Chính phủ về việc triển khai dự án này.
Hiện nay, chúng ta không thể chỉ quan tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa mà phải mở rộng hơn đến cả doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra tham gia thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp siêu nhỏ cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được các nước quan tâm, hướng chính sách vào nhằm thúc đẩy khởi nghiệp. Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết, nếu áp dụng trong ASEAN sẽ tạo động lực mới trong sự phát triển của khu vực.
Một trong những yêu cầu quan trọng của ASEAN trong vấn đề hợp tác, là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước phát triển hàng đầu với những nước ở phía sau. Việc đánh giá chiến lược liên kết phát triển của ASEAN có thành công hay không chính là việc có thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước hay không. Để làm được điều này, cần hơn nữa sự phối hợp của các nước trong ASEAN. Và vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN là quan trọng.
Việc tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối mạng lưới khởi nghiệp của ASEAN cũng là nội dung thiết thực và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam hiện nay, khi chúng ta đang thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế số. Cách liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong ASEAN lớn lên, từ đó đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.
Với chức năng là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cần kiên trì các nguyên tắc của mình nhằm duy trì vai trò trung tâm, tăng cường liên kết kinh tế nội khối để tăng sức mạnh từ bên trong, tạo động lực mới trong sự phát triển của khu vực.
- Xin cảm ơn ông.
- Xin cảm ơn ông.
Yêu cầu quan trọng của ASEAN trong vấn đề hợp tác, là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước phát triển hàng đầu với những nước ở phía sau. Để làm được điều này, cần hơn nữa sự phối hợp của các nước trong ASEAN. Và vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN là quan trọng. |