Sai nhưng không khắc phục?
Qua kiểm tra, xác minh, TTCP nhận thấy, đối với công tác quản lý sử dụng đất đai, địa phương này ban hành nhiều văn bản, có văn bản ban hành chậm, không toàn diện, chưa cụ thể. Việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất còn chậm, vi phạm quy định của Luật Đất đai, mặc dù đã được Bộ TN-MT kết luận, chỉ ra nhưng chậm khắc phục; tình trạng vi phạm trên vẫn xảy ra tại thời điểm năm 2018-2019.
Quá trình xây dựng quy hoạch xây dựng, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện còn có vi phạm về trình tự, thủ tục, phải điều chỉnh nhiều lần, chưa công khai theo quy định, có biểu hiện chạy theo dự án (tại dự án mở rộng Nhà hàng ven sông Đăk Bla do Công ty cổ phần Trường Long làm chủ đầu tư) vi phạm Luật Đất đai 2013; một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện đạt tỷ lệ thấp. Quy hoạch dự án thủy điện nhỏ và vừa còn biểu hiện chạy theo nhà đầu tư.
TTCP cho rằng, việc phê duyệt bảng giá đất 5 năm giai đoạn 2020-2024 không sát giá thị trường, vi phạm Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc định giá đất, có nguy cơ làm giảm thu ngân sách.
Bên cạnh đó, các hướng dẫn cụ thể việc sử dụng bảng giá đất (như tính giá đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, quy định phân loại vị trí đất...) tại địa bàn các huyện, thành phố không cụ thể, không đồng nhất dẫn đến khi áp dụng trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau. UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định khung giá rừng nhưng cơ quan tham mưu cả nội dung “định giá rừng” là vượt thẩm quyền.
Việc giao đất cho 85 trường hợp tại huyện Đắk Hà và 319 trường hợp tại huyện Ngọc Hồi; 43 trường hợp khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, TP Kon Tum không thuộc đối tượng tái định cư; 2 trường hợp giao đất trồng cây hàng năm tại huyện Kon Rẫy không thông qua đấu giá, TTPC cho rằng, như vậy là vi phạm Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, địa phương này còn cho thuê đất công không tổ chức đấu giá hoặc có tổ chức đấu giá nhưng không đúng quy định; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp kế hoạch sử dụng đất; việc tính tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan chức năng không phát hiện, xử lý, thể hiện sự buông lỏng quản lý. Trong cổ phần hóa, còn chưa xử lý dứt điểm tồn tại liên quan đến việc thu hồi hơn 3.200m đất để cho Công ty TNHH Ngọc Thy thuê đất.
Bất thường trong đấu giá đất
Trong đấu giá quyền sử dụng đất, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành quy chế đấu giá cụ thể, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện đấu giá trên địa bàn tỉnh. Các cuộc đấu giá số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá rất thấp (chưa đến 5%), chủ yếu người trúng đấu giá chỉ trả cao hơn giá khởi điểm 1 bước giá, chưa phát huy được mục tiêu của đấu giá nhằm tăng thu theo hướng tiệm cận giá thị trường; còn để xảy ra vi phạm trong chậm nộp tiền trúng đấu giá, nhưng không hủy kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc, không xử lý phạt chậm nộp.
Một số tổ chức, cá nhân thường xuyên trúng đấu giá nhiều lô đất tại 10 dự án (464 trường hợp), sau đó bán lại cho người có nhu cầu, nhưng kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có nguy cơ thất thu ngân sách…
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực đô thị hầu hết là chậm thời hạn so với quy định, còn để xảy ra nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện; chuyển mục đích sử dụng đất chưa đảm bảo các trình tự thủ tục, hồ sơ không đầy đủ, phát sinh thêm thủ tục ngoài quy định, trên 90% hồ sơ giải quyết từ năm 2018 trở về trước giải quyết chậm so với quy định, một số hồ sơ quyết định sai thời hạn sử dụng đất.
Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan và người đứng đầu các sở, ngành, cùng với đó có trách nhiệm của người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Ngoài các nội dung trên, TTCP còn chỉ ra hàng loạt các vi phạm liên quan tới công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án vốn ngoài ngân sách. Theo đó, có 54 dự án Sở KH-ĐT không theo dõi, quản lý tiến độ đến trước thời điểm được điều chỉnh, giãn tiến độ, trong đó thời gian không theo dõi, quản lý tiến độ nhiều nhất là trên 60 tháng.
TTCP cho rằng, đối chiếu quy định của pháp luật, cần phải chấm dứt hoạt động đối với 44 dự án, nhưng Sở KH-ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế không tham mưu hoặc thực hiện theo thẩm quyền, việc này là buông lỏng quản lý, giám sát đầu tư.
Trong đó, quản lý đầu tư công, địa phương này còn một số tồn tại, vi phạm. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum trình Thủ tướng phê duyệt dự án mang tính cấp bách hoặc phê duyệt theo thẩm quyền khi chưa đảm bảo các điều kiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư, trong đó nhiều dự án được phê duyệt quá trình thực hiện chậm tiến độ, kéo dài, dở dang, cho phép ra hạn nhiều lần; phê duyệt dự án khi chưa cân đối được nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn thu dự kiến không đạt khả năng cân đối vốn là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh buông lỏng quản lý, để một số chủ đầu tư tạm ứng hợp đồng xây dựng khi chưa có mặt bằng thi công trong thời gian dài, không thu hồi tiền tạm ứng, không gia hạn hợp đồng, không gia hạn bảo lãnh hợp đồng, nguy cơ mất vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn ngân sách. Tổng số tiền tạm ứng quá hạn cần phải thu hồi nhưng chưa thực hiện là 50 tỷ đồng.
Kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TTCP kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan.
TTCP kiến nghị giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm qua thanh tra là hơn 194 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 151 tỷ đồng; chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, nhất là xây dựng và ban hành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất (không thông qua đấu giá và thông qua đấu giá), cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất công ích.
TTCP kiến nghị, các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp sai thời hạn sử dụng đất (đất sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dải) cần huỷ bỏ quyết định hoặc thu hồi, điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương; thu hồi quỹ đất công ích (5%) cho thuê sai quy định (thuộc TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Sa Thầy) để tổ chức đấu giá theo đúng quy định…
Cùng với đó là chỉ đạo thu hồi đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định đối với việc UBND huyện Ngọc Hồi cho thuê đất để xây dựng nhà hàng, trung tâm thương mại, dịch vụ trên đất quy hoạch cây xanh; hủy quyết định giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 hộ gia đình ông bà Trần Văn Út, Lê Thị Vi và hộ bà Đặng Thị Khanh, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy để bố trí quỹ đất nông nghiệp phù hợp.
Trong tổng số 44 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đầu tư năm 2014, TTCP kiến nghị chấm dứt hoạt động, có 27 dự án thuộc trách nhiệm tham mưu của Sở KH-ĐT.
TTCP cũng kiến nghị, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc Cục Thuế tỉnh Kon Tum và các đơn vị liên quan liên quan tới việc xác nhận doanh thu năm 2013 cho Công ty TNHH Nhật Á Châu có số liệu khác nhau để tham gia đấu thầu.