Liều “doping” cho ngành da giày

Việc Ủy ban châu Âu (EC) chấm dứt thuế chống bán phá giá với giày mũ da Việt Nam đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ tháng 5-2011 đến nay liên tục tăng mạnh.

Tính chung 10 tháng năm 2011, vượt qua nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ngành da giày đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 5,11 tỷ USD, chỉ đứng sau dệt may và dầu thô, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc chấm dứt mức thuế này còn làm cho các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển dần sang Việt Nam do quốc gia này đang phải chịu thuế 16,5% cho mặt hàng da giày. Điều này đang giúp cho các DN trong nước không chỉ ký đủ đơn hàng cho năm 2011 mà còn bắt đầu ký những đơn hàng mới cho năm 2012.

Đây quả là tín hiệu vui cho ngành da giày Việt Nam. Và ngành da giày hoàn toàn có thể tin tưởng vào một cuộc cán đích ngoạn mục trong năm 2011 đầy khó khăn này.

Song phía sau niềm vui ấy các DN trong ngành da giày vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho việc phát triển bền vững. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cảnh báo dù EC đã chấm dứt việc đánh thuế chống bán phá giá với giày mũ da nhưng các DN cũng không nên chỉ tập trung vào thị trường này mà cần tìm kiếm những thị trường mới.

Ngoài lý do kinh tế châu Âu đang có nhiều khó khăn, điều mà các chuyên gia lo ngại là việc EC có thể tái đánh thuế này lên giày mũ da của Việt Nam. Bên cạnh đó là những khó khăn nội tại của ngành, trong đó nhân công luôn là mối lo hàng đầu của các DN.

Không chỉ lo tăng lương theo quy định mà còn lo công nhân bỏ DN mình chạy sang DN khác có mức lương cao hơn. Lúc ít việc, lương thấp công nhân bỏ đi, đến khi có đơn hàng dồn dập DN lại phải tuyển dụng, đào tạo lại. Vòng luẩn quẩn ấy không biết đến khi nào DN mới thoát ra được.

Một khó khăn nữa là nguyên liệu. Không chủ động được nguồn nguyên liệu DN luôn trong tình trạng bị động trước việc giá nguyên liệu không ổn định, lại hạn chế trong khả năng thiết kế nên hầu hết DN da giày phải làm gia công, giá trị gia tăng từ việc xuất khẩu rất ít.

Và lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận nguồn vốn, chi phí vận chuyển tăng, cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường xuất khẩu… là vô vàn những trở ngại tiếp theo các DN trong ngành đang phải đối mặt. Nhiều chủ DN còn tỏ ra hoài nghi với chính sự bền vững của DN mình, ngành mình trong vài năm tới.

Niềm vui của ngành da giày Việt Nam có vẻ quá ít ỏi so với những thách thức đang ở phía trước. Song niềm vui ấy cũng đang trở thành liều “doping” đáng quý cho DN, nhất là trong thời điểm khó khăn này.

Nếu nhìn sang nhiều ngành khác như dệt may hiện còn đang “ăn không ngon, ngủ không yên” với đơn hàng, sự kiện trên là một may mắn không phải lúc nào cũng có được nên cần phải nắm bắt ngay cơ hội này.

Các tin khác