Liệu nước Mỹ có suy thoái và vỡ nợ?

(ĐTTCO) - Câu hỏi nước Mỹ liệu có suy thoái và vỡ nợ được đặt ra cho tôi vào khoảng đầu tháng 2. Khi đó tôi nói “chắc không vỡ nợ, nhưng không biết có suy thoái không”.
Liệu nước Mỹ có suy thoái và vỡ nợ?

Tôi hy vọng sau số liệu kinh doanh quý I do các công ty Mỹ công bố và báo cáo của IMF, cũng như vài kỳ quyết định lãi suất của Fed, vào đầu tháng 5 này tôi sẽ có thể trả lời dứt khoát hơn. Thế nhưng, cái tôi nhận thấy lúc này chỉ là màn sương mờ về kinh tế Mỹ thời gian tới. Có chăng là một số kịch bản đã có thể được loại bỏ.

Suy thoái là suy thoái nào?

So với tháng 2, viễn cảnh kinh tế Mỹ có phần rõ ràng hơn. Cơ hội để hạ cánh mềm nền kinh tế đã trở nên rất nhỏ. Rất nhiều số liệu kinh tế đều cho thấy sự sụt giảm trong kinh tế Mỹ, từ sản xuất cho đến thị trường nhà, đặc biệt là thị trường bất động sản thương mại, nơi nhiều người dự đoán sớm muộn sẽ đổ vỡ. Các khoản cho vay bất động sản thương mại chiếm 40% tổng tín dụng của các ngân hàng nhỏ và 13% tổng tín dụng các ngân hàng lớn của Mỹ.

3 ngân hàng có quy mô nhỏ cấp khu vực của Mỹ đã bị đổ vỡ, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) phải can thiệp. Dù vậy, tổng tổn thất đã lớn hơn tổng vỡ nợ của 25 ngân hàng Mỹ năm 2008. Trong tháng 3 và 4 đã xuất hiện tình trạng tháo chạy tiền khỏi một số ngân hàng nhỏ của Mỹ.

Theo điều tra gần đây của Gallup, niềm tin người gửi tiền ở Mỹ ở mức thấp nhất kể từ 2008, với gần 50% người tham gia tỏ ra lo lắng hoặc rất lo lắng về độ an toàn của tiền gửi ở ngân hàng Mỹ. Và tình trạng ngân hàng vỡ nợ và bị mua lại, cộng thêm việc nợ xấu liên quan đến bất động sản thương mại gia tăng, sẽ khiến nguồn tín dụng cung ứng ra thị trường Mỹ bị siết lại.

3 ngân hàng Mỹ vừa vỡ nợ có quy mô lớn hơn 25 ngân hàng vỡ nợ năm 2008 cộng lạiNguồn: New York Times, FDIC

3 ngân hàng Mỹ vừa vỡ nợ có quy mô lớn hơn 25 ngân hàng vỡ nợ năm 2008 cộng lạiNguồn: New York Times, FDIC

Tín dụng siết chặt, lãi suất tăng cao, tiền gửi bị rút khỏi ngân hàng nhỏ, dường như cuộc khủng hoảng tài chính đang đến với Mỹ. Nhưng với người đang giao dịch trên thị trường Mỹ thì… không hề. Chỉ số đánh giá biến động (chỉ số về nỗi sợ VIX) đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Đồng USD không hề “rơi rụng” như dự đoán vẫn giữ lại trên mức hỗ trợ dài hạn. Số liệu thị trường lao động Mỹ tiếp tục tốt hơn dự đoán, khi có tháng thứ 13 liên tiếp tốt hơn dự báo của các chuyên gia.

Số liệu dòng vốn mới nhất càng thú vị: Nhà đầu tư Mỹ rút tiền các quỹ cổ phiếu trong tháng 4, nhưng là ra khỏi… quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi, hay từ những thị trường đang thu hút tiền như Singapore về Mỹ, chứ không phải ngược lại. Ngay cả những dự đoán về dòng tiền sẽ đổ từ Mỹ sang Trung Quốc để tận dụng sự hồi phục kinh tế Trung Quốc cũng không diễn ra như dự đoán.

Như vậy, số liệu về thị trường lao động và tài chính không cho thấy sự hoảng loạn hay suy thoái, đổ vỡ. Có chăng chỉ là tăng trưởng chậm hơn và kinh tế vĩ mô khó khăn, thiếu ổn định hơn. Nhận định trong thông cáo báo chí sau đợt quyết định lãi suất vừa rồi ở Mỹ phản ánh điều đó.

“Hoạt động kinh tế mở rộng với tốc độ khiêm tốn trong quý đầu tiên. Mức tăng trưởng việc làm vẫn khá vững chắc trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn còn cao. Hệ thống ngân hàng Mỹ lành mạnh và linh hoạt. Điều kiện tín dụng đang siết chặt lại đối với hộ gia đình và các doanh nghiệp… mức độ của những tác động này vẫn chưa chắc chắn. Ủy ban vẫn rất chú ý đến rủi ro lạm phát”.

Đọc những dòng này chúng ta có thể thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự đoán, nhưng vẫn tăng trưởng và chưa có dấu hiệu của suy thoái (tăng trưởng âm).

Điều đó cũng tương thích với điều chỉnh mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế Mỹ với toàn cầu, nói chung là cắt giảm dự báo tăng trưởng, nhưng không bi quan quá mức. Tất nhiên kinh tế tăng trưởng chậm lại, khu vực sử dụng nợ quá mức sẽ có rủi ro đổ vỡ, như thị trường bất động sản thương mại và các công ty vay nợ lớn (những “xác sống”, làm ra không đủ trả nợ). Nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy những đổ vỡ này sẽ mang tính hệ thống, ít nhất trong 2023.

Nói cách khác, cơ hội để kinh tế Mỹ đạt được “hạ cánh mềm” với mức tăng trưởng tương đối (dù chỉ bằng một nửa năm ngoái) đang trở nên khá nhỏ. Nhưng không hạ cánh mềm cũng không đồng nghĩa đi vào suy thoái nặng. Hàng loạt thuật ngữ như "hạ cánh cứng", “tăng trưởng chậm", "suy thoái", "suy thoái nhẹ" xuất hiện trên khắp các bài bình luận, phân tích, thậm chí biên bản họp của các ngân hàng trung ương. Không hạ cánh mềm vẫn còn muôn vàn khả năng khác của nền kinh tế Mỹ. Và suy thoái chỉ là một trong số đó.

Năm nào cũng dọa nhưng chưa thấy năm nào vỡ nợ

Theo luật pháp Mỹ, chính quyền chỉ có thể chi tiêu nếu ngân sách còn tiền (thu từ thuế và các khoản vay tài chính) để chi trả. Quốc hội Mỹ đặt ra một mức trần nợ công hàng năm. Vượt quá mức đó, Bộ Tài chính Mỹ không thể vay thêm. Trong tình huống đó, hoặc chính phủ phải công bố vỡ nợ, hoặc dừng chi tiêu chính phủ cho đến khi có tiền. Mà muốn có thêm tiền phải được nâng trần nợ công.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật do Đảng Cộng hòa đề xuất để tăng giới hạn vay lên 31.400 tỷ USD của quốc gia, với điều kiện chính phủ phải cắt giảm mạnh chi tiêu. Nhưng Tổng thống Biden không muốn như vậy. Kết quả, các chính trị gia của Mỹ sẽ còn tranh cãi với nhau nhiều. Trong khi đó, quốc hội phải nâng trần nợ công trước khi chính phủ hết tiền để thanh toán các khoản chi tiêu, điều có thể xảy ra ngay sau ngày 1-6, nghĩa là còn chưa đầy 1 tháng nữa, theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Rõ ràng đây chỉ là câu chuyện chính trị gia bất đồng quan điểm, hơn là khả năng Mỹ thật sự vỡ nợ. Và câu chuyện này hầu như năm nào cũng diễn ra. Nhiều học giả đã chỉ trích mô hình vận hành với trần nợ công này của Mỹ không bền vững, vì cứ “đến hẹn lại lên” phải nâng trần nợ công do áp lực lên ngân sách trong bối cảnh mới, buộc chính phủ Mỹ luôn ở tình trạng bội chi lớn và cần vay thêm nhiều nợ.

Ngày nào thị trường tài chính hay nền kinh tế Mỹ chưa hỗn loạn, các chính trị gia Mỹ sẽ còn cãi nhau. Vì vậy, khả năng vỡ nợ của Mỹ khá thấp, và việc này dễ đoán hơn việc liệu Mỹ có suy thoái hay không rất nhiều. Dù sao, thị trường tài chính toàn cầu sẽ trải qua vài tháng bất định nữa, vì nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời.

So với câu chuyện về suy thoái vẫn còn mơ hồ, có rất ít khả năng Mỹ vỡ nợ vì “quả bóng” này nằm trong chân các chính trị gia Mỹ.

Các tin khác