Tuần qua, NHNN liên tiếp ban hành chính sách mới được xem như những “liều thuốc” mạnh để trị các “căn bệnh” kinh niên trên thị trường tiền tệ như lãi suất, ngoại tệ, vàng. 2 ngày cuối tuần qua các thị trường này đã có những phản ứng tích cực nhưng cũng có không ít lo ngại “phản ứng phụ” sẽ xảy ra khi thực hiện các giải pháp mới này.
Thông điệp thắt tiền tệ?
Ngày 10-10-2011, NHNN chính thức tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH từ 14%/năm lên 16%/năm. Riêng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) được giữ nguyên ở mức tương ứng 13%/năm và 14%/năm. Đây là lần thứ 5 kể thứ tháng 2-2011 NHNN có động thái điều chỉnh mức lãi suất tái cấp vốn.
Lần điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn gần đây nhất của NHNN vào ngày 11-5. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu đã được điều chỉnh 2 lần kể từ tháng 3-2011 và lãi suất OMO cũng được điều chỉnh 2 lần kể từ tháng 11 năm ngoái. Lãnh đạo NHNN cho rằng mục đích của việc điều chỉnh các mức lãi suất trên nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và điều tiết lãi suất thị trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng NHNN đang phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh áp lực lạm phát có thể tăng trở lại khi cung tiền từ tín dụng có thể tăng cao vào những tháng cuối năm. Điều này phù hợp với yêu cầu của Chính phủ siết tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM trong năm 2011 không quá 15-17%.
Những ngày cuối tuần qua thị trường tiền tệ đã đi vào ổn định. Ảnh: LÃ ANH |
Theo ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, theo lý thuyết việc tăng lãi suất tái cấp vốn sẽ khiến hoạt động NHTM tốn nhiều chi phí hơn, giảm bớt lượng cho vay của NHNN thông qua kênh này và tạo động lực cho các NH tìm kiếm những nguồn tài trợ khác chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn của NHNN.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, động thái tăng lãi suất tái cấp vốn (không tăng lãi suất tái chiết khấu) cho thấy NHNN đưa ra thông điệp rõ ràng chỉ hỗ trợ vốn để giải quyết thanh khoản chứ không hỗ trợ để cho vay. Thực tế hiện nay NHTM vẫn còn kênh tái chiết khấu trên thị trường mở.
Tuy nhiên chỉ NH có giấy tờ có giá mới tham gia được và các NHTM lớn luôn chiếm lợi thế trên thị trường này. Vì thế các NH nhỏ khi cần vốn để giải quyết thanh khoản chủ yếu vay trên thị trường liên NH.
Cuối tuần qua lãi suất liên NH qua đêm đã tăng lên 14,5-15,5%/năm, từ mức 12,5-13,5%/năm trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần từ mức 14-14,6%/năm tăng lên 15%/năm. Điều này cho thấy chính sách lãi suất chủ chốt của NHNN đã bắt đầu tác động đến thị trường lãi suất của các NHTM và nhiều dự đoán sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng tín dụng của các NHTM trong thời gian tới.
Tiếp tục siết USD và vàng
Từ kỳ dự trữ bắt buộc tháng 10-2011, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các TCTD tại NHNN từ 0,1%/năm xuống 0,05%/năm có hiệu lực. Lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ và Kho bạc Nhà nước tại NHNN cũng giảm từ 0,1%/năm xuống 0,05%/năm.
Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng chính sách này của NHNN nhằm làm chi phí vốn ngoại tệ tăng lên, buộc các NHTM phải hạ lãi suất huy động USD và đẩy lãi suất cho vay USD lên nhằm hạn chế người vay ngoại tệ. Theo số liệu của NHNN, trong tháng 9 tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của hệ thống NHTM giảm so với tháng trước, nhưng tiền gửi ngoại tệ lại tăng.
Chưa kể, vài ngày gần đây hệ thống NHTM đã bắt đầu khan nguồn ngoại tệ trên thị trường mua bán vì nhu cầu gom USD nhập vàng tăng. Vì vậy, giải pháp này của NHNN không chỉ giúp hạn chế tín dụng ngoại tệ mà còn làm tăng lượng USD lưu thông trên thị trường, hạn chế người dân gửi tiết kiệm USD. Trong khi đó, theo một chuyên gia NH, giải pháp này buộc các NHTM sẽ phải bán USD ra thay vì gửi vượt tiền dự trữ bắt buộc tại NHNN.
Bởi chi phí vay vốn ngoại tệ tăng lên, các NHTM cũng sẽ hạn chế vay vốn ngoại tệ ở nước ngoài (lãi suất 3-4%/năm) rồi chuyển đổi sang tiền đồng (cho vay lãi suất cao 18-20%/năm). Thực tế, có NH cổ phần lớn vay nợ nước ngoài gần 400 triệu USD, đã tìm nguồn ngoại tệ để đáo hạn khoản vay này, đã góp phần gây áp lực lên thị trường ngoại hối.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ vàng gây bất ổn thị trường ngoại tệ, không chỉ chờ giải pháp bán vàng can thiệp từ các NHTM theo điều tiết của NHNN, mà Bộ Tài chính cũng phải có chính sách thuế hợp lý với người mua bán vàng hiện nay để triệt tiêu cơ hội kiếm lợi lớn của giới đầu cơ vàng. Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, |
Riêng với thị trường vàng, sau khi ban hành quy định cho phép 5 NHTM bán một phần vốn vàng huy động sang tiền đồng để can thiệp thị trường, đồng thời kinh doanh vàng tài khoản để bảo hiểm rủi ro, NHNN tiếp tục “chặn” hoạt động quay vòng vốn để đầu cơ của giới kinh doanh vàng khi siết tín dụng tiền đồng có thế bằng vàng của các NHTM.
Ngày 8-10, NHNN đã ban hành Thông tư 33 quy định NH không được cho vay vốn để mua vàng (trừ trường hợp được NHNN cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất vàng miếng, gia công vàng trang sức mỹ nghệ, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của NHNN).
Thông tư cũng bổ sung quy định hệ số rủi ro là 250% đối với các khoản cho vay được bảo đảm bằng vàng. Trước đó, theo Thông tư 13, các khoản cho vay đảm bảo bằng vàng có hệ số rủi ro bằng 0.
Điều này nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp khả thi bởi sự hợp lực của 5 NH với một doanh nghiệp đầu mối trong việc điều tiết thị trường vàng sẽ hiệu quả hơn trong hạn chế đầu cơ vàng, tình trạng gom vàng làm giá gây bất ổn cho thị trường.
Cuối tuần qua, ngay sau khi các giải pháp của NHNN áp dụng, giá vàng trong nước có đà giảm khá mạnh, chỉ còn 43-43,5 triệu đồng/lượng, mức giá cao hơn thế giới cũng đã rút xuống còn khoảng trên dưới 1 triệu đồng/lượng thay vì 2-4 triệu đồng trước đó. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng quay đầu giảm gần 150 đồng, xuống còn 21.350 đồng/USD.
Theo một chuyên gia NH, thời điểm này những giải pháp trên được đưa ra là cần thiết để nhanh chóng can thiệp, giúp bình ổn thị trường vàng lẫn ngoại tệ. Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp có tính chất ngắn hạn và đối phó, chứ chưa phải là một biện pháp căn cơ, có tính dài hạn đối với nền kinh tế. Về lâu dài cần có những đánh giá đầy đủ hiệu quả của giải pháp này.
Làm sao để các giải pháp phối hợp này tạo nên thành nguồn lực đủ mạnh, có sự thống nhất cao giữa các bên tham gia, tránh tình trạng các NHTM thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường nửa vời, chỉ lo chạy theo mục tiêu lợi nhuận do được cơ chế độc quyền kinh doanh vàng.