Linh hoạt điều hành xăng dầu trong tình hình mới

(ĐTTCO)- Với tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay, cách tính giá cơ sở đang áp dụng xem ra không còn phù hợp nữa, cần sửa đổi trên cơ sở các yếu tố chi phí hình thành từ 2 nguồn trong nước là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, cùng với nguồn nhập khẩu, để đảm bảo ổn định tình hình kinh doanh, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu ổn định. 
Linh hoạt điều hành xăng dầu trong tình hình mới
Công thức giá cơ sở xăng dầu lạc hậu
Thời điểm năm 2014, việc xây dựng giá cơ sở xăng dầu được hình thành trên các yếu tố chi phí liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu là chính. Lượng xăng dầu được sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tỷ trọng xăng dầu sử dụng, chủ yếu đóng vai trò điều tiết và giá bán tương đương giá xăng dầu nhập khẩu. Vì vậy công thức tính giá cơ sở lúc bấy giờ cũng tương đối phù hợp với nguồn cung. 
Giá cơ sở xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng = {Giá CIF + chi phí thuế nhập khẩu + chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt} x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí KD định mức + mức trích lập Quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường (+) Các loại thuế, phí theo quy định. 
Tuy nhiên công thức này cần được Liên bộ Tài chính- Công thương sớm rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đã hình thành nhiều nguồn cung, và việc bán buôn luôn cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty lọc dầu và với 37 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu.                              
Thời gian vừa qua đã có sự thay đổi lớn trong cơ cấu sản xuất, kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước, nên giá cơ sở dựa trên nguồn hàng nhập khẩu không còn phù hợp. Bên cạnh đó các hiệp định thương mại FTA dẫn đến có nhiều mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Bên cạnh đó, hiện nay quy mô sản xuất xăng dầu trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung cho thị trường trong nước, và tương lai có thể lên đến 85%. Các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu chủ yếu mua từ nguồn sản xuất trong nước.
Tình hình trên đã nẩy sinh sự cạnh tranh mang tính đối chọi, so kè nhau giữa DN đầu mối kinh doanh xăng dầu và DN là đầu mối sản xuất xăng dầu. Từ đó, tạo ra 2 đối tượng trữ hàng và luôn trông chờ vào việc tăng, giảm giá bán lẻ theo chu kỳ của Liên bộ. 
Từ khi việc vận hành thương mại của các nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động đến nay, tâm thế là họ luôn tích trữ chờ tăng giá và các công ty đầu mối cũng luôn làm vậy. Điều này đã góp phần làm cho thị trường xăng dầu bị khan khiếm, dẫn đến các đại lý bán lẻ rất khó tiếp cận nguồn hàng, nhất là thời điểm sắp điều chỉnh giá bán lẻ dự đoán có xu hướng tăng. Theo đà này đối tượng chịu thiệt thòi nhất là đại lý bán lẻ, kế đến là các DN vừa là đầu mối vừa kinh doanh bán lẻ xăng dầu. 
Minh chứng là hiện nay Petrolimex với hơn 50% thị phần, kế đến là PV Oil chiếm 20% thị phần, quy mô kinh doanh lớn như thế và kinh doanh trong thời kỳ giá xăng dầu thế giới giảm sâu 20-30USD/thùng, lẽ ra là cơ hội để các DN kinh doanh xăng dầu này tăng lợi nhuận. Nhưng điều nghịch lý là cả 2 đơn vị này đều lỗ, kể cả hàng chục ngàn DN bán lẻ cũng đều bị lỗ nặng? Theo báo cáo tài chính quý I-2020  PV Oil lỗ ròng 538 tỷ đồng,  Petrolimex lỗ kỷ lục 1.813 tỷ đồng. Cả 2 đều bị ảnh hưởng lớn khi giá xăng dầu xuống thấp.
Kẽ hở các công ty đầu mối nâng giá
Hàng ngàn DN bán lẻ xăng dầu liên tục nêu những khó khăn và luôn than thở kêu lỗ, nhưng chưa có bất kỳ động thái nào từ Liên bộ can thiệp mang tính giải pháp và hy vọng. Điều nghịch lý là DN kinh doanh chứ không phải làm từ thiện mà bán lỗ vẫn bị Nhà nước bắt buộc phải nhập hàng về bán.
Trong khi Liên bộ quy định giá bán lẻ nhưng không quy định giá trần và giá sàn trong giá bán buôn cho các công ty đầu mối. Từ hệ quả trên đã tạo kẽ hở cho các công ty đầu mối nâng giá bán buôn lên cao tuỳ thích để giảm lỗ, hoặc tăng lợi nhuận, thậm chí họ nâng giá bán buôn hiện nay cao bằng giá bán lẻ để hưởng lợi, đồng thời làm cho các DN là đại lý bán lẻ hạn chế mua hàng để các công ty đầu mối tăng cường tồn trữ hưởng lệch lệch khi tăng giá… 
Khi giá bán buôn tăng mà giá bán lẻ được quy định giữ nguyên, đồng nghĩa với việc hoa hồng các đại lý bị bóp nghẹt. Trong gần 1 tháng đã qua chiết khấu hoa hồng đại lý rất thấp, có thời điểm hoa hồng là không đồng hoặc âm. Lẽ ra giá dầu thế giới thấp, hoa hồng đại lý phải ở mức cao và DN kinh doanh có lãi mới đúng quy luật giá cả, vì giá thành xăng dầu thấp thì lợi nhuận phải cao. 
Tuy nhiên, do quy định xăng dầu là mặt hàng bình ổn nên bắt buộc DN bán lẻ phải mua hàng về bán,  không được đóng cửa, mặc dù là phải bán lỗ. Dù vậy, một số DN bán lẻ vẫn không nhập được hàng dẫn đến khá nhiều nơi cửa hàng đóng cửa do hết xăng dầu. Đó là những nguyên nhân gây ra lũng đoạn thị trường xăng dầu hiện nay...
Thiết nghĩ, cùng là DN nhưng trong quản lý điều hành cơ quan chức năng lại ưu ái cho các công ty đầu mối được quyền quyết định về giá một cách tự do, không bị khống chế bởi giá trần và giá sàn trong giá bán buôn, đã liên tục tạo ra hệ luỵ hiện nay là xăng dầu khan hiếm và làm cho việc kinh doanh của các DN mâu thuẫn nhau trong việc tranh dành nguồn hàng, gây thiếu công bằng, không khách quan và thị trường luôn bất ổn. 
Công thức tính giá cơ sở mới
Từ những bất ổn và mâu thuẩn đã phân tích trên cho thấy công thức tính giá cơ sở hiện nay có vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá cơ sở đang áp dụng cần xác định chi tiết thêm từng mức thuế nhập khẩu từ các nguồn khác nhau để làm hệ số đưa vào công thức tính. Bên cạnh đó cần bắt buộc 37 công ty đầu mối và 2 nhà máy lọc dầu báo cáo giá thành xăng dầu cho Liên bộ để tính giá thành bình quân của các đơn vị này làm cơ sở so sánh đối chiếu để đưa ra quyết định giá bán lẻ không thấp hơn giá thành bình quân của các đơn vị này, để đảm bảo DN có lãi trên cơ sở giá thành bình quân chung. 
Nếu đơn vị nào quản lý yếu kém, giá thành cao thì sớm bị đào thải, còn đơn vị nào tiết kiệm chi phí thì chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng (giá thành này là giá thực tế dùng để hạch toán trên sổ sách kế toán và báo cáo thuế, DN tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chứ không phải giá tạm tính). Đồng thời khi trích lập quỹ bình ổn xăng dầu cũng phải tính đến sao cho giá bán lẻ phải cao hơn giá thành bình quân của xăng dầu và có dư địa để DN không phải gặp khó khăn khi giá dầu thô thế giới biến động mạnh.
Linh hoạt điều hành xăng dầu trong tình hình mới ảnh 1   (Công thức này tính theo từng loại xăng dầu cụ thể)
Điều này sẽ tránh được tính đặc thù của xăng dầu là lúc ký hợp đồng thời hạn nhập khẩu về 3-5 tháng trước, lúc đó giá dầu thô có thể  60-70 USD/thùng còn hiện nay chỉ trên dưới 30USD/thùng, nhưng về nguyên tắc tài chính kế toán DN cũng phải hạch toán vào giá thành bình quân để bán, nên bán theo giá hiện tại thì càng bán càng lỗ. Đó là chưa kể đến DN đầu mối phải bảo đảm ổn định mức dự trữ quốc gia về xăng dầu bắt buộc về khả năng cung ứng. Chính vì vậy mà công thức tính giá cơ sở hiện nay là không thể phù hợp để áp dụng. 
Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, giá xăng dầu tăng là cước phí tăng, hàng hóa cũng tăng theo. Tuy nhiên, chúng ta cần có giải pháp để tính hình kinh doanh xăng dầu được ổn định, tránh tình trạng đóng cửa và tranh mua dành bán, tránh tình trạng phát sinh nhiều tin đồn xăng dầu khan khiếm, người dân đổ xô đi mua về cất trữ gây nguy hiểm, làm xáo trộn đời sống xã hội… Vì vậy, việc tính toán làm sao để có mức giá ít gây tác động, ít gây xáo trộn thị trường nhất, mới là giải pháp tối ưu hiện nay trong nền kinh tế nhiều thành phần. 

Các tin khác