Sao đổi ngôi
Một trong những tên tuổi mới là CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM). Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần đạt 2.431 tỷ đồng (cao gấp gần 5 lần cùng kỳ). Sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt gần 294 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 57,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, ASM ghi nhận 5.149 tỷ đồng doanh thu thuần (cao gấp 3,5 lần cùng kỳ), lãi gộp đạt 767 tỷ đồng, tăng mạnh so với 185 tỷ đồng cùng kỳ 2017. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 957 tỷ đồng (cao gấp 7,7 lần cùng kỳ), tương đương EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) đạt 3.956 đồng.
Theo KQKD 9 tháng 2018, tính đến thời điểm hiện tại, có 24 doanh nghiệp đạt trên 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, với tổng lợi nhuận đạt gần 150.000 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ 2017). |
Có thể nói, đây là con số gây sốc với giới đầu tư sau KQKD không mấy ấn tượng của ASM trong quá khứ. Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HĐQT đặt mục tiêu doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 890 tỷ đồng. Thời điểm đó, kế hoạch này được giới đầu tư cho là quá tham vọng, thậm chí quá sức với ASM. Thế nhưng, với KQKD ấn tượng này, ASM đã hoàn thành 52,5% mục tiêu về doanh thu và chính thức vượt 7,5% mục tiêu về lợi nhuận chỉ sau 9 tháng.
Tuy nhiên, dẫn đầu về lợi nhuận đến thời điểm hiện tại là tên tuổi mới nhưng không xa lạ với NĐT trên TTCK, đó là CTCP Vinhomes (VHM). Theo BCTC quý III, lợi nhuận 9 tháng của VHM tăng vọt từ 3.065 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017 lên 15.101 tỷ đồng trong năm nay. Với KQKD cực kỳ ấn tượng này, VHM chắc chắn sẽ giữ vị trí đầu bảng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2018. Theo thông tin trong bản cáo bạch niêm yết, VHM dự kiến đạt 21.971 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 và 33.581 tỷ đồng trong năm 2019.
Dây chuyền chế biến mỡ cá thành dầu ăn của ASM.
Sự góp mặt của VHM đã đẩy Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) xuống vị trí thứ 3 về lợi nhuận trong mùa BCTC quý III năm nay, dù doanh nghiệp này cũng có sự bứt phá mạnh về lợi nhuận. Theo BCTC quý III, lũy kế 9 tháng, GAS đạt 56.613 tỷ đồng doanh thu (tăng 19%), lợi nhuận trước thuế đạt 11.300 tỷ đồng (tăng 50%), EPS 9 tháng đạt 4.580 đồng. Với kết quả này GAS đã hoàn thành vượt 41% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngân hàng thắng lớn
Xếp trên GAS là NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), với lợi nhuận trước thuế đạt trên 11.600 tỷ đồng (tăng 47%). Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ và từ hoạt động khác tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, lãi từ dịch vụ đạt 2.628 tỷ đồng (tăng 34%), lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi đạt 3.034 tỷ đồng. Theo dự báo của lãnh đạo VCB, lợi nhuận của NH này sẽ vượt chỉ tiêu 13.000 tỷ đồng được thông qua ở ĐHCĐ, thậm chí vượt 15.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Bức tranh lợi nhuận của VCB cũng là gam màu chủ đạo của các NH đang niêm yết trên TTCK trong mùa BCTC quý III và cả năm 2018. Thống kê cho thấy, lợi nhuận 9 tháng của các NHTM đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm, trong đó, 21/25 NH hoàn thành hơn 70%. Những NH lớn như VCB, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) hay NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) cũng đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ sau 9 tháng. Như vậy, việc vượt kế hoạch cả năm hoàn toàn có thể xảy ra ở 3 NH này do quý IV thường là quý bứt phá mạnh mẽ nhất do nhu cầu vốn tăng mạnh.
Trong câu lạc bộ ngàn tỷ đồng lợi nhuận của các NH niêm yết, ngoài những tên tuổi quen thuộc, nay có sự góp mặt của 3 cái tên mới là NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 1.720 tỷ đồng, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) với 1.136 tỷ đồng và NHTMCP Tiên Phong (TPB) với 1.600 tỷ đồng. Cả 3 NH này đều ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 176%, 149% và 100%. Nếu EIB nhờ nguồn thu đột biến từ thoái vốn khỏi NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), sự bứt phá của 2 NH còn lại chủ yếu đến từ tín dụng, đặc biệt nhờ định hướng tập trung vào mảng NH bán lẻ mang tới khả năng sinh lời cao hơn. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ cũng có sự tăng trưởng cao, lãi từ dịch vụ của TPB tăng 249%, VIB tăng 112%.
CP vẫn bất động
Cùng với sự xuất hiện của những tên tuổi mới, giới đầu tư cũng ghi nhận sự hụt hơi của nhiều ông lớn trong mùa BCTC quý III năm nay. Đơn cử, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) với doanh thu lũy kế 9 tháng tăng 2% (tương đương 39.558 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận trước thuế giảm gần 800 tỷ đồng (tương đương 7%) so với cùng kỳ, xuống còn 9.371 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN), ghi nhận mức giảm lợi nhuận lần lượt 6%, 15% và 8%. Gây thất vọng lớn là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với khoản lỗ lên đến 102 tỷ đồng trong quý. Lũy kế cả niên độ tài chính 2017-2018, HSG ghi nhận 34.441 tỷ đồng doanh thu và 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó).
Lợi nhuận sụt giảm là nguyên nhân khiến nhóm CP này bị tác động mạnh. Cụ thể, giá CP VNM hiện rơi về mức đáy của năm (114.300 đồng/CP). Thê thảm nhất là HSG khi CP liên tục bị bán tháo và hiện đang giao dịch quanh mức 8.000 đồng/CP. Phía ngược lại, nhóm CP ghi nhận KQKD hết sức ấn tượng nhưng giá CP của những doanh nghiệp này gần như không biến động nhiều, trừ một số mã như BID tăng 17,5%, VHM tăng 16,5%, ASM tăng 10%.
Thậm chí, nhiều mã còn giảm mạnh trong phiên hồi phục mạnh của thị trường cuối tuần vừa qua, như TPB (giảm 6,8%). Ngay như BID, sóng tăng của CP này không xuất phát từ KQKD quý III, mà được cho đến từ thông tin HĐQT đang xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại KEB Hana Bank (Hàn Quốc).