Lo lắng thiếu vaccine, nhiều phụ huynh cho trẻ tiêm dịch vụ

(ĐTTCO) - Những ngày qua, một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TPHCM đã 'cạn'.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ em

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ em

Do quá lo lắng, nhiều phụ huynh đã bỏ số tiền không nhỏ đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ.

Mòn mỏi chờ vaccine

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến hết ngày 15-5, các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và vaccine 3 trong 1 DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ). Bên cạnh đó, các loại vaccine khác trong chương trình TCMR sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm như: vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT) và vaccine sởi và rubella (MR).

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, ngày 3-4-2023, Bộ Y tế có ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo đó, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine nêu trên.

“Sở Y tế đã chuẩn bị nguồn lực và xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine trong Chương trình TCMR tại TPHCM năm 2023. Tuy nhiên, đến ngày 12-5-2023, Sở Y tế TPHCM lại nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc lập dự trù vaccine Chương trình TCMR trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước. Sở Y tế đã lập danh sách nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vaccine”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế phân bổ vaccine trong chương trình TCMR. Tuy nhiên, việc cấp vaccine cũng theo tình trạng “nhỏ giọt” khiến công tác tiêm chủng không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại TP Hà Nội. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ tháng 4 tới nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng thiếu vaccine “5 trong 1” và vaccine “3 trong 1” cũng còn rất ít do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung ứng đủ đáp ứng đến hết tháng 4. Không chỉ thiếu vaccine trong Chương trình TCMR mà vaccine dịch vụ tại một số nơi cũng “khan hiếm”.

Tại đơn vị tiêm chủng dịch vụ của CDC Hà Nội phải tạm dừng hoạt hoạt động nhiều tháng, trong khi trước đó mỗi ngày có hàng trăm người tới tiêm dịch vụ.

Chiều 17-5, ThS-BS Nguyễn Minh Ngọc, Điều hành Phòng khám tiêm chủng, Viện Pasteur TPHCM, cho biết, viện đã được cấp gần đủ vaccine sau một thời gian gián đoạn. Hiện tại, Viện Pasteur thiếu 2 loại vaccine (cúm, uốn ván) và 2 loại huyết thanh kháng dại và huyết thanh uốn ván không có trong đợt này. Còn các vaccine khác có nhiều loại, nếu không có loại này, có thể sử dụng loại khác thay thế. Hiện Viện đang tích cực làm việc để nhanh chóng mua mới vaccine phục vụ người dân.

Khó đấu thầu tập trung, đàm phán giá?

Trước tình trạng nhiều địa phương thiếu vaccine trong Chương trình TCMR, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, xem xét có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vaccine cho TCMR.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguyên nhân của tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng do Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine cho Chương trình TCMR. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ.

Gần đây, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị “Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung mua sắm các loại vaccine trong chương trình TCMR, các thuốc ARV, vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá”, tuy nhiên việc này là không khả thi do Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023.

Đối với đề xuất “Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung các vaccine sản xuất trong nước cho TCMR”, hiện nay các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu. Đối với việc đặt hàng vaccine sản xuất trong nước cho TCMR, hiện chưa có quy định của pháp luật cho phép Bộ Y tế đặt hàng tập trung để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế khẩn trương xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo UBND bố trí kinh phí địa phương và tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không để thiếu thuốc, vaccine cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Sẽ đưa việc thiếu vaccine ra Quốc hội

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, việc chuyển đấu thầu vaccine TCMR về cho các sở y tế địa phương là không đúng chủ trương đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Cụ thể, với các mặt hàng có tỷ trọng sử dụng nhiều như vaccine TCMR, nếu đấu thầu cấp quốc gia sẽ giúp giá thành, cũng như các chi phí phát sinh giảm so với việc đấu thầu các gói nhỏ ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, việc đấu thầu riêng từng tỉnh cũng sẽ dẫn đến khả năng giá trúng thầu sai lệch, các loại vaccine có thể khác nhau.

Điều này sẽ dẫn đến tình huống mỗi tỉnh có thể sẽ tiêm 1 loại vaccine khác nhau. Ngoài ra, bản chất của vaccine TCMR có rất ít nhà thầu tham dự. Do đó, Bộ Y tế lấy phương diện quốc gia đứng ra đấu thầu như trước là phù hợp, khả năng đảm bảo nguồn, giá và cung ứng an toàn hơn. “Việc gián đoạn, thiếu hụt vaccine TCMR đang gây bức xúc ở nhiều địa phương. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Các tin khác