Dow Jones giảm 292,06 điểm, tương đương 0,84%, xuống 34.577,57 điểm.
S&P 500 giảm 25,68 điểm, tương đương 0,57%, xuống 4.443,05 điểm.
Nasdaq giảm 67,82 điểm, tương đương 0,45%, xuống 15.037,76 điểm.
Toàn bộ 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, năng lượng và tài chính giảm sâu nhất.
Sự lạc quan giảm dần trong phiên, khiến thị trường đảo chiều sau khi tăng nhờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ Bộ Lao động Mỹ. Tháng 9 trong quá khứ là tháng không mấy tốt đẹp với Phố Wall. S&P 500 đã giảm gần 1,8% kể từ đầu tháng 9 nhưng vẫn tăng 18% kể từ đầu năm.
“Có khả năng thị trường đã sẵn sàng vào một đợt điều chỉnh quá hạn”, Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research, New York, nói. “Từ khía cạnh lịch sử, tháng 9 thường là giai đoạn ‘làm đẹp số liệu’ đối với các nhà quản lý quỹ”.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan khiến tâm lý tiêu cực ngày càng tăng, liên quan đến đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, và nhiều người giờ dự báo một đợt điều chỉnh đáng kể trên thị trường chứng khoán trong cuối năm.
“Chúng ta vẫn trong chế độ điều chỉnh mà nhiều người đã dự báo suốt nhiều tháng qua”, theo Paul Nolte, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Kingsview Asset Management, Chicago, bang Illinois. “Số liệu kinh tế không đạt ước tính và trùng với lúc biến chủng Delta trỗi dậy”.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI thấp hơn dự báo, củng cố quan điểm từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng lạm phát chỉ mang tính tạm thời và trấn an lo ngại trên thị trường rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm siết hỗ trợ hơn dự kiến.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm sau thông tin CPI, gây áp lực lên cổ phiếu tài chính. Nhà đầu tư từ cổ phiếu giá trị chuyển sang cổ phiếu tăng trưởng.
Kịch bản tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 26,5% nếu phe Dân chủ thắng thế đang dần thành hiện thực với kế hoạch ngân sách 3.500 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sắp được thông qua.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 14/9 là 10,07 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 9,38 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.