Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội bởi quy mô vốn đầu tư lớn và diện tích đất giải phóng mặt bằng lớn, tác động mạnh đến đời sống của người dân thuộc diện bị thu hồi đất.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường đầu tuần trước, nhiều đại biểu cho ý kiến về cơ chế chính sách và bồi thường hỗ trợ tái định cư để xây sân bay Long Thành. Nhiều ý kiến đề nghị phải rà soát, bảo đảm tính chính xác của số liệu kiểm đếm và thống kê, bảo đảm sự công khai và minh bạch, hạn chế việc phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng, không tạo ra sự chênh lệch lớn quá dưới mức bồi thường của dự án này với các dự án quan trọng khác.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, và rà soát lại cơ cấu diện tích đất thu hồi, đất ở và cần có giải pháp chống tái lấn chiếm đất đai...
Lo đất nghĩa trang đắt hơn biệt thự hạng sang
Cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần phải tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An.
Ông Cường dẫn báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã quy hoạch một khu nghĩa trang 50,95 ha tại xã Bình An, trong đó 20 ha là khu nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư này như trong dự án đã trình bày, còn lại 30,95 giao cho Công ty TNHH Hoa Viên - Bình An để kinh doanh.
Trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40 - 70 km hiện nay thì giá bán mỗi 1m2 đất đặt phần mộ cho người chết còn cao hơn đất xây biệt thự cho người sống, ông Cường cho hay.
Đại biểu này quan ngại, với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt là xã Bình An nằm trong trung tâm phát triển đô thị trong tương lai thì giá đất nghĩa trang có thể cao hơn nhiều so với đất biệt thự hạng sang ở các đô thị lớn.
Ông Cường cho rằng, cần sớm xúc tiến quy hoạch thành phố Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành bởi, theo ông Cường, việc này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ mà còn giúp hình thành trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.
Đồng quan điểm với ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng bày tỏ lo lắng về tái định cư và xây dựng nghĩa trang. Tuy nhiên, ông Nhưỡng lại có ý kiến khác về xây dựng thành phố Long Thành.
Đại biểu Nhưỡng lấy ví dụ điển hình ở nước Anh: Có một sân bay rất nổi tiếng thế giới đó là sân bay Heathrow London. Do quá tải nên máy bay gần như xếp hàng bay vòng trên không để hạ cánh, vì thế người ta phải làm sân bay Gatwick cách đó 80 km. Nhưng xung quanh đó hạn chế xây dựng thành phố, họ tạo ra một vùng trắng để sản xuất nông sản, lâm sản.
Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không nên để thành phố mọc lên xung quanh sân bay, mất an toàn bay.
Lo tái lấn chiếm đất đai
Về tái lấn chiếm đất đai cũng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) phân tích: Giai đoạn đầu đến năm 2025 chỉ sử dụng 1.165ha nhưng sẽ thu hồi đất khoảng 5.400ha. Vậy còn trên 4.000ha, trong đó có 1.000ha đất quốc phòng, sẽ làm gì? Điều này dễ dẫn đến việc tái lấn chiếm đất đã thu hồi, ông Ngân bày tỏ lo lắng.
Đại biểu Ngân đề nghị chính thức giao UBND tỉnh Đồng Nai được khai thác và sử dụng quỹ đất đã được thu hồi này dưới sự giám sát của các cơ quan, hệ thống chính trị, Quốc hội… để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình.
Khi đưa vào khai thác và sử dụng thì nên ưu tiên cho các hộ dân, các doanh nghiệp đã nhận tiền thu hồi đất, đã nhận tiền đền bù nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác thì trong thời gian thuê lại ở đây có thể từ 5 năm đến 10 năm, ông Ngân góp ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, từ khi có nghị quyết xây sân bay Long Thành cho đến nay đã có rất nhiều hộ đã “nhảy dù” vào.
Ông Hiển lo ngại sau khi đã thu hồi đất, người dân lại tiếp tục tái lấn chiếm thì rất khó giải quyết.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã được thu hồi.