Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bắc Giang, vào 8 giờ sáng nay (26-5), tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra 'lễ xuất hành', dự kiến đưa khoảng 15 tấn vải thiều chính sớm đi Nhật Bản.
Ngày 25-5, Bộ Công thương đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về kế hoạch và giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương này tiêu thụ và xuất khẩu đặc sản vải thiều ra các nước, trong đó có thị trường Nhật Bản, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã cùng UBND tỉnh Hải Dương tổ chức thành công Lễ mở vườn tại vựa vải thiều đặc sản Thanh Hà để hỗ trợ nông dân trồng vải ở đây tìm thị trường trong mùa thu hoạch năm 2021.
Vải thiều Bắc Giang được trồng ở vùng an toàn dịch bệnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang tại cuộc làm việc với Bộ Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có trên 28.000ha vải thiều, sản lượng 180.000 tấn đã vào vụ thu hoạch.
Các loại trái cây khác cũng có hàng nghìn ha đang và chuẩn bị thu gồm trên 600ha dứa, sản lượng 15.000 tấn; trên 33.000ha nhãn với sản lượng khoảng 20.000 tấn cùng 22.000 ha na, sản lượng khoảng 15.000 tấn sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8-2021. Bên cạnh đó, một loạt nông sản khác như cam, bưởi, táo... cho thu hoạch từ nay đến cuối năm.
Vải thiều được thu hoạch ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tỉnh còn có trên 1.100ha rau các loại, sản lượng khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra còn có gần 1 triệu con heo, sản lượng thịt 44.000 tấn; gần 20 triệu gia cầm ước sản lượng gần 10.000 tấn và trên 12.000ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng gần 17.000 tấn...
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác và ngược lại, cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu đang gặp khó khăn.
Riêng vải thiều, do có sản lượng lớn, vụ thu hoạch chỉ tập trung trong thời gian ngắn nên đặt ra yêu cầu cần chuẩn bị thị trường thuận lợi, không để rớt giá, tồn đọng, ách tắc khi xuất khẩu.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều tập trung. Tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn; lập các tổ chốt kiểm soát phòng dịch đối với người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung. Đồng thời kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều...
“Có thể khẳng định, vải thiều Bắc Giang được trồng, chăm sóc, thu hoạch ở vùng an toàn dịch bệnh, không bị tác động bởi dịch Covid-19. Người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng”, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Kỳ vọng một mùa vải thiều bội thu giữa đại dịch. Ảnh: KIM KHÁNH
3 kịch bản tiêu thụ, kỳ vọng chợ thương mại điện tử
UBND tỉnh Bắc Giang đang đặt ra 3 kịch bản thị trường. Kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát thì sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là 50-50. Kịch bản 2, nếu dịch phức tạp nhưng vẫn kiểm soát được thì sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là 70-30. Kịch bản 3, nếu dịch phức tạp, khó kiểm soát, hoạt động xuất khẩu “nhỏ giọt” thì tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ là 90-10.
Dù kịch bản nào thì từ đầu vụ, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ cùng với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) kết nối với các hệ thống phân phối bán lẻ, tập đoàn, siêu thị lớn như: Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart & Vinmart+, Aeon, Lotte… cùng các chợ đầu mối nông sản, trái cây lớn ở Hà Nội, TPHCM để giúp bà con tiêu thụ.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Đặc biệt năm 2021, tỉnh này tổ chức gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba.
Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang cho biết đang kết nối với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) và các thương vụ Việt Nam tại các quốc gia xuất khẩu vải thiều để kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều được thuận lợi.
Vải thiều Bắc Giang được sơ chế, đóng gói để xuất khẩu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bên cạnh đó, đề nghị Tham tán kinh tế - thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán và cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) và tại TP Côn Minh (tỉnh Vân Nam) của Trung Quốc thúc đẩy tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các điều kiện hỗ trợ tiêu thụ quả vải qua cửa khẩu và tại thị trường Trung Quốc.
Bắc Giang cũng xúc tiến thành lập Tổ thường trực hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.
Ngày 8-6 tới, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021”, với quy mô 29 điểm cầu. Trong đó, Việt Nam bao gồm 21 điểm cầu, Trung Quốc 4 điểm cầu, Nhật Bản 2 điểm cầu, Singapore 1 điểm cầu, Australia 1 điểm cầu.