Đó là ý kiến của các đại biểu nêu ra tại hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức tuần qua.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho rằng việc tổ chức thực hiện theo quy hoạch hiện nay có quá nhiều bất cập, diễn ra tình trạng “quy hoạch lén”, quy hoạch không đi đôi với chính sách công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chỉ cần lằn ranh nhỏ, nhà dân thuộc quy hoạch đất công trình công cộng đã chịu đủ thiệt thòi so với nhà dân quy hoạch đất ở. Nhiều đồ án quy hoạch không khả thi, quyền lợi của người dân treo hàng chục năm, lãng phí tài nguyên, bị người dân phản ứng là lẽ đương nhiên. Khi lập và công bố quy hoạch người dân cũng không biết. Đến khi đi làm giấy tờ mới biết nhà mình dính vào quy hoạch công viên cây xanh, đường sá…
Vì vậy, theo ông Toàn, sửa Luật Xây dựng phải sửa các luật khác như Luật Đất đai, quy hoạch theo hướng công bằng quyền lợi cho người dân vướng quy hoạch. Bởi chính sách nhà đất phải công bằng, sòng phẳng mới có được sản phẩm quy hoạch tốt và tính khả thi cao, được người dân chấp nhận.
Nói thật như đùa của ông Nguyễn Thanh Toàn, ông làm nghề 35 năm nay nhưng hiện có nhiều hồ sơ khi xử lý ông không biết nên áp dụng Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý đô thị hay Luật Xây dựng. Và nếu áp dụng, không biết áp dụng khi nào, cho khu vực nào...
Thực tế, những bất cập trong công tác quy hoạch đã được các ngành chức năng phản ánh rất nhiều, nhất là các cơ quan dân cử. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019) bà đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà nằm trong quy hoạch công trình công cộng. Đáp lại, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng UBND TPHCM điều chỉnh quy hoạch.
Theo bà Tuyết việc điều chỉnh này không khả thi, vì chẳng khác nào dời quy hoạch từ nhà ông A sang nhà bà B, mà cần phải xem xét một cách thấu đáo vấn đề. Chính Bộ trưởng Phạm Hồng Hà từng phát biểu tại nghị trường Quốc hội (6 - 2019): Trong các năm qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết diễn ra một cách tràn lan. Báo cáo của 10/63 tỉnh thành hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần.
Ông Trần Anh Hà, Ủy viên Thường trực Hội Xây dựng TPHCM, cho biết trong báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng hiện nay, Bộ Xây dựng chưa tổng kết các vướng mắc giữa Luật Xây dựng và các luật khác.
Do vậy chưa chỉ ra được những vướng mắc chung để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Theo ông Hà, cần có những nhóm tổng kết lại toàn bộ vướng mắc ở các luật, nghị định liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng để kiến nghị sửa đổi.
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, quy hoạch được lập quá nhiều, chất lượng thấp nên thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhiều ngành lẽ ra chỉ cần quản lý bằng các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lại được lập ra các quy hoạch gây trở ngại cho đầu tư và làm cản trở sự phát triển.
Chỉ ra 10 điểm bất cập, yếu kém trong các quy hoạch, PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chuyên gia tư vấn về quy hoạch cho biết: “Tôi đi nhiều nơi thấy họ lập quy hoạch chỉ để là quy hoạch, là một sản phẩm trên giấy chứ không phải là quá trình, tức là không có tính thực thi. Có nơi lập quy hoạch chỉ để trình diễn khi lãnh đạo trung ương tới làm việc. Nhưng cũng còn may đó chỉ là sản phẩm trên giấy chứ mang ra thực thi còn tệ nữa”.