Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố danh sách rao bán gần 400 tài sản bao gồm nhiều biệt thự, homestay, khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh... với tổng giá trị tài sản đảm bảo cần xử lý tới hơn 8.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách này có một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng được xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2 và quy mô 236 phòng. VietinBank phát giá 600 tỷ đồng cho bất động sản trên.
Tại TP Hội An (Quảng Nam), VietinBank cũng rao bán 2 khách sạn 4 sao quy mô trên dưới 100 phòng với giá khởi điểm từ 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản.
Ngoài ra, còn hàng chục khách sạn 3, 4 sao khác tại Hội An được rao bán với giá chỉ từ vài chục tỷ đồng. Đơn cử như một khách sạn 3 sao quy mô 13 phòng, diện tích xây dựng 626,86 m2 có giá 14,25 tỷ đồng; một khách sạn 3 sao có diện tích xây dựng 574,6 m2 với 17 phòng được rao 40 tỷ đồng...
Tương tự tại Đà Nẵng, lô đất để trống là khu khách sạn - Condotel (Căn hộ) và dân cư Saphia tọa lạc tại vị trí 2 mặt tiền, tiếp giáp đường Võ Nguyên Giáp, diện tích 1.432 m2 được VietinBank phát giá hơn 100 tỷ đồng...
Không chỉ rao bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, VietinBank còn thông báo bán 556 khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân với tổng dư nợ gốc, lãi và lãi phạt gần 12 tỷ đồng. Các khoản nợ này được chào bán bằng 90% giá trị ghi sổ, bao gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt. Đáng chú ý trong số này, có khoản giá khởi điểm chỉ hơn 500.000 đồng.
Không riêng tại VietinBank, các thông báo bán đấu giá tài sản, thanh lý khoản nợ còn liên tục xuất hiện trên website của nhiều ngân hàng khác.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo bán đấu giá khoản nợ của Nhà máy Xi măng lò quay Áng Sơn với giá 191 tỷ đồng; nợ của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỉ đồng; nợ của Công ty cổ phần Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên với giá 111 tỷ đồng.
Trước đó, BIDV đã rao bán đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty CP năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, giá khởi điểm 325 tỷ đồng; khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng...
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đang thông báo phát mại tài sản bảo đảm của Công ty TNH dịch vụ và thương mại Thanh Thảo giá từ hơn 53 tỷ đồng; tài sản khu resort Mỹ Khê của Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi giá gần 40 tỷ đồng; tài sản Công ty CP sản xuất thương mại Thái Vinh hơn 20 tỷ đồng...
Trong khối bất động sản chưa xử lý được tại Vietcombank còn có tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen. Dù đã nhiều lần được đưa ra bán đấu giá trong cả năm qua những khối tài sản gồm các quyền sử dụng đất, hệ thống máy móc, nhà xưởng... của doanh nghiệp này vẫn chưa tìm được người mua. Giá khởi điểm Vietcombank đưa ra trong đợt thông báo gần đây nhất là gần 766,5 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với thông báo trước đó và giảm hơn 300 tỷ đồng so với mức giá ban đầu.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát tại ngân hàng này cũng đang được đem ra bán đấu giá với mức khởi điểm từ 189 tỷ đồng; khoản nợ 670 tỷ đồng của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha được giao giá khởi điểm 145 tỷ đồng... Các mức giá đấu khởi điểm đều đã giảm sâu nhiều lần so với giá trị khoản nợ ban đầu nhưng vẫn "ế ẩm".
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều tài sản bảo đảm có giá trị lớn liên quan đến bất động sản nhưng thị trường thời gian qua gần như "đóng băng" khiến việc xử lý tài sản để thu hồi nợ không mấy dễ dàng.
Hơn nữa, việc định giá tài sản phát mại cũng chưa hợp lý, chưa theo giá thị trường mà tính cả gốc và lãi nên giá khởi điểm cao, mỗi lần đem ra đấu giá cũng chỉ giảm từ 5-10% giá trị nên việc xử lý kéo dài, có tài sản đấu giá đến vài năm mới bán được.