Vì vậy, EVFTA sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THU TRANG, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập.
PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường logistics Việt Nam?
Bà NGUYỄN THỊ THU TRANG: - Ngành logistics Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ và cải thiện dần qua từng năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 39/160 nước về chỉ số hoạt động logistics năm 2018. Trong khối ASEAN Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Sau EVFTA với các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ DN EU với DN Việt Nam sẽ lớn hơn và gia tăng trong các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm. |
Tuy nhiên đa phần DN logistics Việt Nam tương đối nhỏ cả về vốn và lao động. Ngành logistics Việt Nam đang bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và hoàn thiện, hệ thống đường bộ xuống cấp và quá tải, đường sắt cũ kỹ. Hạ tầng cảng biển kém (phương tiện xếp dỡ thô sơ, thiết kế cảng không phù hợp cho bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dụng, không có dịch vụ hàng hải kết nối trực tiếp với các cảng biển tại châu Âu hay Mỹ)…
- Với đối thủ mạnh về logistics như EU, ngành logistics Việt Nam sẽ như thế nào khi EVFTA có hiệu lực, thưa bà?
- Trước hết, EVFTA mang lại cho logistics Việt Nam cơ hội gia tăng quy mô thị trường, xuất phát từ nguồn cầu lớn với hoạt động logistics. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020, 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030.
Theo chiều ngược lại, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA gia tăng nhanh chóng khi nhiều sản phẩm EU có thế mạnh được loại bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa 2 bên càng nhộn nhịp, thị trường đối với dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.
Cải thiện và nâng tầm logistics Việt sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cơ hội thứ hai từ EVFTA là tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính. Các cam kết về thể chế và hàng rào phi thuế quan trong EVFTA sẽ tạo ra sức ép lớn buộc Chính phủ phải cải cách trong nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động logistics, đặc biệt là hải quan, kiểm tra chuyên ngành. Việc thực hiện các cam kết này sẽ giúp cải thiện đáng kể thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa - yếu tố có tác động trực tiếp tới hiệu quả của hoạt động logistics.
Cơ hội nữa là giảm chi phí kinh doanh và giảm tình trạng thuê ngoài. Các cam kết loại bỏ thuế quan cho các phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU sẽ giúp DN logistics mua sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý. Trong khi đó EU là nguồn cung cấp chất lượng cao cho những sản phẩm này. Song hành với đó là các cơ hội thu hút đầu tư từ EU, cơ hội tiếp cận thị trường logistics từ các nước thành viên EU.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam cũng sẽ đối diện với thách thức khi cạnh tranh với các đối thủ EU gay gắt hơn. EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực logistics năm 2018 của WB, Đức ở vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng. Hiện nhiều DN logistics mạnh của EU đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa logistics của Việt Nam theo WTO còn hạn chế.
- Theo bà DN ngành logistics Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ EVFTA?
- Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các DN logistics cần nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics để nhận diện các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU. Từ đó DN cần có kế hoạch bài bản, hành động quyết liệt trong nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mình
. Cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin đặc biệt với mạng logistics toàn cầu; cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư EU; tăng liên kết với các DN cung cấp dịch vụ logistics khác nhau… là những việc DN Việt cần thực hiện ngay.
Ngoài ra để tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cần thêm nhiều giải pháp từ Nhà nước, như phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics; cải cách thủ tục, thể chế trong các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu như hải quan, kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cản trở hoạt động của DN logistics.
- Xin cảm ơn bà.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta Chính sách đất đai đang cản trở DN logistics Hiện nay 2% DN logistics nước ngoài đang nắm 80% thị phần logistics Việt Nam, chủ yếu là cước vận tải quốc tế. Còn vận tải nội địa DN trong nước đang trong thế chủ động. Tuy nhiên làm sao để tận dụng cơ hội vẫn còn là vấn đề nhiều thách thức. Một trong các yếu tố cản trở sự phát triển của các DN logistics Việt Nam là quy mô còn quá nhỏ. Tính riêng trong lĩnh vực vận tải đường bộ có hơn 24.000 DN nhưng 80% DN có dưới 5 xe tải. Nói cách khác thị trường logistics đang phân mảnh rất cao, cần có nhiều DN lớn mới giúp giảm chi phí logistics. Để DN có thể lớn lên liên quan nhiều đến thể chế chính sách. Chính sách đất đai đang cản trở DN logistics. Luật Đất đai 2013 không coi đất trả tiền hàng năm là tài sản được thế chấp. Quy định này đưa ra nhằm loại bỏ nhà đầu cơ nhưng nó lại “tiêu diệt” các nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân khiến DN muốn lớn không lớn nổi. Trong logistics không đầu tư vào hạ tầng không thể phát triển được. Chúng tôi bỏ ra rất nhiều tiền để có mảnh đất công nghiệp hy vọng có trung tâm logistics nhưng không gọi là tài sản thế chấp, làm sao đầu tư. Cản trở lớn đến hoạt động logistics Việt Nam là khả năng kết nối hạ tầng giao thông và môi trường kinh doanh. Vì thế, để DN logistics hoạt động hiệu quả, vai trò của Nhà nước, các bộ ngành hết sức quan trọng. |