Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu TP HCM đẩy nhanh việc hiện thực 5 dự án trọng điểm gồm tuyến metro số 1, 2, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3 và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoại trừ đường Vành đai 3 được TP HCM triển khai theo tiến độ và cao tốc TP HCM - Mộc Bài đang định hình, 3 dự án còn lại bị nghẽn ở nhiều khâu.
"Rối" cơ chế phối hợp
Thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cho thấy khối lượng bàn giao mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đạt 85,49%, trong đó 4/6 quận đã hoàn thành gồm quận 1, 10, 12 và Tân Phú. Hiện còn hơn 80 trường hợp chưa giao mặt bằng.
Dự án đang gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Cạnh đó, việc đàm phán để huy động lại Tư vấn quốc tế không thành công; công tác đấu thầu các gói thầu chính phải hủy để bảo đảm pháp lý chặt chẽ; việc thu xếp tài chính cho dự án kéo dài do quá trình gia hạn các hiệp định vay đã ký và thu xếp khoản vay bổ sung.
Với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuy đang thi công 5 gói thầu, đến nay đạt giá trị thực hiện trên 92% nhưng lại gặp vấn đề về thủ tục điều chỉnh dự án cũng như điều chỉnh các hiệp định vay bị kéo dài. Nguyên nhân là do cơ chế phối hợp giữa bộ, ngành trung ương và các sở, ngành TP HCM mất nhiều thời gian. Thủ tục điều chỉnh chưa rõ ràng, cách hiểu giữa các bộ, ngành thiếu thống nhất dẫn đến chờ ý kiến hướng dẫn từ cấp cao hơn.
Dự án đầu tư xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết có 85 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 68 cá nhân, hộ gia đình, 17 tổ chức.
Riêng đất quốc phòng cần thu hồi là 12,3 ha với 33 vị trí do 16 đơn vị quân đội quản lý. Đất do Công ty Quản lý bay miền Nam quản lý có diện tích cần thu hồi khoảng 4.364 m2.
Theo Sở GTVT, công tác bàn giao đất quốc phòng gặp nhiều vướng mắc. Trong khi, theo Nghị quyết của Chính phủ, dự án phải đưa vào khai thác đồng bộ trong tháng 9-2024 và để bảo đảm yêu cầu thì toàn bộ mặt bằng thi công đoạn từ đường Thăng Long đến cuối tuyến chậm nhất trong tháng 3-2023 (thời gian thi công 16 tháng).
"Dự án ảnh hưởng đến nhiều đơn vị quốc phòng. Trên thực tế, đa số các công trình quân đội được tiếp quản lại, hồ sơ lưu qua nhiều thời kỳ nên việc cung cấp hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình, nhà xưởng mất nhiều thời gian. Ngoài ra, khó xác định chất lượng còn lại của nhà xưởng, công trình bị ảnh hưởng bởi công trình do quân đội quản lý, việc thuê đơn vị tư vấn để xác định chất lượng là khó thực hiện" - đại diện Sở GTVT thông tin.
"Gỡ" từng dự án
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm với các kế hoạch và việc làm cụ thể.
Liên quan tới thẩm quyền ở cấp trung ương, với dự án tuyến metro số 1, UBND thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và các bộ, ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm xem xét, xúc tiến các thủ tục liên quan đến một thỏa thuận vay; xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Công ty HURC1 (công ty vận hành tuyến này) để kịp cho TP HCM báo cáo, đưa ra HĐND thành phố cuối năm nay.
Bộ GTVT được đề nghị sớm chủ trì soạn thảo, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị khổ đường 1.435 mm, thi công và nghiệm thu đường sắt đô thị... làm cơ sở áp dụng thống nhất, đồng bộ, giảm chi phí trong quản lý và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ đường sắt đô thị. Cùng với đó, xem xét điều chỉnh nội dung cấp/thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo hướng phân quyền cho UBND cấp tỉnh đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị.
Tại dự án tuyến metro số 2, TP HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ TP HCM hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn và thực hiện quy trình gia hạn khoản vay 1, 2 đã ký đến năm 2030 và thu xếp khoản vay 3 cho gói thầu CS2B hoàn thành sớm trong năm 2023 nhằm đáp ứng tiến độ trao thầu gói thầu này trong cuối năm 2023. Kiến nghị Chính phủ trao đổi với phía Đức về chỉ đạo các cơ quan hữu quan (Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức, Ngân hàng KfW) tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính cho dự án thông qua việc gia hạn các khoản vay 1, 2 đã ký với KfW đến năm 2030 và các khoản vay bổ sung như đã cam kết.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dự án khẩn trương cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý; giao đơn vị đầu mối để phối hợp với các cơ quan, đơn vị của thành phố trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, UBND thành phố kiến nghị Bộ KHĐT, các bộ, ngành quan tâm sớm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12-2022.
UBND TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho thành phố để bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 là 19.449 tỉ đồng (theo đúng Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội).
Trung ương cùng bàn, cùng làm Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 27-11, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành 10 nhóm nội dung, trong đó có việc sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trên địa bàn TP HCM. Trước những nội dung thành phố kiến nghị, Thủ tướng khẳng định chỉ đạo từng bộ, ngành phụ trách giải quyết từng vấn đề cụ thể với tinh thần trung ương và địa phương cùng làm, cùng bàn, cùng giải quyết. Giảm thiểu nguy cơ đội vốn TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận xét những dự án trọng điểm như tuyến metro số 1, metro số 2 vướng nhiều nhất ở khâu thủ tục. So với tuyến metro số 1 thì tuyến metro số 2 có lợi thế hơn vì tiến độ bồi thường, GPMB nhanh hơn. Tuy nhiên, đến giờ này dự án đang bị chậm hơn kế hoạch, mà càng kéo dài dẫn tới khả năng đội vốn càng cao. Cho nên, việc điều chỉnh thời gian dự án sớm chứng nào tốt chừng nấy, để thành phố có cơ sở giải ngân sớm nguồn vốn. Cũng theo TS Thuận, việc lựa chọn nhà thầu cho dự án metro số 2 nên khuyến khích sử dụng liên danh nhà thầu trong nước và quốc tế trong tư vấn, thiết kế đến thi công thay vì chỉ sử dụng nhà thầu nước ngoài như hiện nay. Bởi thực tế cho thấy khi nhà thầu nước ngoài chấm dứt hợp đồng đột ngột, chúng ta mất khá nhiều thời gian để thương lượng, tìm nhà thầu mới. Ở góc độ khác, TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng TP HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc và đề xuất hướng tháo gỡ. Như vậy vướng ở đâu đã xác định được, do đó nếu vướng ở khâu phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành với TP HCM thì các bên cần ngồi lại, vì lợi ích chung của xã hội để giải quyết. "Hiện nay, không chỉ các dự án giao thông mà nhiều dự án liên quan lĩnh vực y tế, giáo dục, sức khỏe cũng bị chậm do vướng cơ chế, thủ tục... Tôi nghĩ, với các dự án giao thông trọng điểm nếu bị chậm tiến độ do công tác bồi thường, GPMB thì cần áp dụng giá bồi thường theo sát giá thực tế để người dân đồng thuận, như vậy sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án" - TS Hùng cho hay. |