Lợi ích và thiệt hại vô hình của dự án

(ĐTTCO) - Dự án là chương trình hành động có vòng đời hữu hạn (bắt đầu và kết thúc). Nó hướng tới những mục tiêu cụ thể như làm đường, xây cầu, xây dựng khu dân cư hoặc những dự án y tế, giáo dục. Nhưng để đạt được hiệu quả cũng như biết được những thiệt hại vô hình của dự án, cần có những đánh giá khách quan liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, việc này lại đang ít được coi trọng.

Chợ nông sản huyện Tuy Đức, Đăk Nông xây xong bỏ hoang nhiều năm.
Chợ nông sản huyện Tuy Đức, Đăk Nông xây xong bỏ hoang nhiều năm.
Dự án phải phục vụ cộng đồng
Trong số các loại dự án, dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật là phức tạp và kéo dài nhất, bao gồm hạ tầng giao thông và thông tin - truyền thông. Bởi nó không chỉ liên quan đến lượng tài chính cực lớn, còn liên quan đến con người, môi trường. Vì thế, để dự án có hiệu quả, người ta cần có những đánh giá khách quan trên 3 lĩnh vực: kinh tế-tài chính, môi trường, xã hội, tùy theo loại dự án có thể có thêm đánh giá về di sản, tôn giáo, giáo dục… Người lập dự án về cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao giờ cũng hướng đến lời lỗ về tài chính, chẳng hạn làm con đường, cây cầu hay công trình thủy điện phải chi ra bao nhiêu, sau bao nhiêu năm thu hồi vốn và sinh lời, rồi đi đến quyết định có đầu tư hay không.
Nhưng các dự án này còn liên quan đến nhiều chuyện khác, do vậy cần đến hội đồng đánh giá tác động môi trường, kinh tế-xã hội-văn hóa đến cộng đồng dân cư tại chỗ và toàn xã hội. Việc đánh giá này diễn ra ít nhất 3 lần là tiền dự án, giữa dự án và nghiệm thu dự án, những năm gần đây còn có đánh giá hậu dự án sau một thời gian đưa vào sử dụng. Mỗi lần đánh giá có ý  nghĩa khác nhau. Cụ thể, đánh giá tiền dự án là dự án này có đưa vào triển khai được không, đánh giá giữa dự án là có cần  điều chỉnh những gì, đánh giá cuối dự án là dự án này có thể vận hành được không, còn đánh giá hậu dự án là dự án này bộc lộ ra điểm yếu gì cần khắc phục, thậm chí là hủy bỏ. Cần nhấn mạnh, đánh giá hậu dự án ở nước ta không được coi trọng, hầu như chủ dự án nào bàn giao xong, hoặc kết thúc giai đoạn bảo hành là phủi tay, nên mới có những khu tái định cư cho dân di dời từ vùng giải tỏa trắng phục vụ cho thủy điện chỉ có cỏ mọc và bò ở.
Thực sự, việc đánh giá các dự án về văn hóa-xã hội vô cùng quan trọng, bởi lẽ dự án nhiều ngàn tỷ đồng là phục vụ con người, không phải chỉ mang lại lợi ích cho nhóm ít ỏi ông chủ. Nhiều dự án xem ra có lợi về tiền bạc nhưng lại thiệt hại cho cộng đồng. Thực tế ở Việt Nam mấy chục năm qua, rất nhiều dự án giao thông, thủy điện làm tan nát làng bản, đẩy người dân đến cùng cực. Có những dự án thoạt nghe tưởng rất tốt, như việc đổ tiền cho không vào các cộng đồng nghèo, nhưng hậu quả xã hội tiêu cực mang lại không mong muốn rất nặng nề, người dân thụ động, lười biếng không muốn làm gì nữa, chỉ đợi ban phát, rồi phân chia không đều, thế là mâu thuẫn, xung đột biến cộng đồng tình làng nghĩa xóm đong đầy thành ra tan nát. Có những dự án nghe tốn kém, không mang lại tiền bạc cho chủ đầu tư (nhà nước, doanh nghiệp) nhưng lợi ích lâu dài và bền vững. Đó là các dự án xóa cầu khỉ thay bằng cầu bê tông ở ĐBSCL không mang lại tiền cho chủ đầu tư vì không thu phí, nhưng lợi ích mang lại cho người dân vô cùng lớn.

Mạnh tay loại bỏ dự án “kiếm tiền bằng mọi giá”
Kinh tế học đô thị là khoa học đánh giá về chi phí và lợi ích trong quá trình phát triển đô thị. Có điều chắc chắn, mỗi dự án ra đời là sự đánh đổi giữa được và mất, do vậy kinh tế học đô thị dạy cho người ta nhận biết một cách toàn diện rằng cái nhận được lớn đến mức nào và cái giá phải trả đó có đáng không? Lợi ích mang lại cho ai, có bền vững cho muôn đời con cháu, cho môi trường tự nhiên hay không? Nếu chỉ thấy lợi ích kinh tế thuần túy, cái giá phải trả cho những chi phí khác lớn gấp nhiều lần, trong khi kết quả không như mong đợi. Hiểu như thế mới thấy lý do tại sao các nhà khoa học lên tiếng phản đối việc đề xuất xây cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước.
Xét về kinh tế, việc xây cầu Mã Đà, làm Quốc lộ dài 40km xuyên Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sẽ giúp kết nối các tỉnh Tây nguyên và Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, rút ngắn 60km so với lộ trình hiện nay. Khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đi Tây nguyên, rẽ sang Quốc lộ 13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan cũng sẽ rút ngắn thời gian, đáp ứng nhu cầu hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Nhưng hệ quả về môi trường rất lớn. Trục đường này sẽ gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng sinh cảnh của các loài động vật hoang dã do xe cộ chạy qua tạo tiếng ồn, khói bụi, gây tai nạn cho các con thú. 
Chưa kể, việc làm cầu Mã Đà, đường xuyên khu dự trữ sinh quyển sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng công tác bảo tồn 3 di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai rộng trên 100.000ha, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2011. Khi khu sinh quyển bị tổn hại nghiêm trọng, kéo theo đó là sự thay đổi về vi khí hậu, rừng bị chia cắt dẫn đến sói mòn đất, lột mất thảm thực vật và các loại động vật quý hiếm không còn nữa. 
Hầu hết các nước châu Á đều trải qua giai đoạn “giàu ảo”, tức khi mới khởi động tiến trình đô thị hóa, đất nông nghiệp, đất rừng bán có giá, ai cũng thấy mình giàu, GDP của quốc gia, tỉnh thành tăng dựng đứng lên đến 2 con số. Nhưng sau đó số tiền bỏ ra để xây nhà tù, trại cải tạo, cai nghiện ma túy, khắc phục hậu quả của ly hôn, tự tử, con mồ côi, người già bị bỏ rơi, đặc biệt là khắc phục hậu quả, chống chọi với nạn tàn phá thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và những loại dịch bệnh, nhiều hơn số tiền thu vào. Vậy là GDP lúc đầu tưởng dương hóa ra bị âm.   
Thực tế, sau hơn 40 năm đô thị hóa nhanh, chúng ta có quá nhiều dự án chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, mà cố tình lờ đi lợi ích của cộng đồng, nhất là những lợi ích không cân đong đo đếm được về văn hóa, tinh thần và giá trị sống. 
 Nhà nước cần mạnh tay can thiệp và loại bỏ những loại dự án và những ông chủ chỉ nhăm nhăm “kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp tất cả”. 

Các tin khác