Lợi nhuận VNPT tăng bình quân 11%/năm sau tái cơ cấu

(ĐTTCO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2018 - 2020.
Lợi nhuận VNPT tăng bình quân 11%/năm sau tái cơ cấu

Mục tiêu tái cơ cấu là phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh, nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam, và trở thành Trung tâm giao dịch số tại thị trường Đông Nám Á, Châu Á.

Đề án tái cơ cấu VNPT cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm.

Theo phương án cơ cấu lại, ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ số khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Bên cạnh đó, VNPT cũng được kinh doanh các ngành nghề liên quan phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính. Cụ thể, sau tái cơ cấu VNPT tiếp tục được kinh doanh đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, và các dịch vụ số khác… Đặc biệt, VNPT được kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng, cơ sở nhà đất hiện có của tập đoàn.

Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT, đề án nêu rõ trong giai đoạn 2018 - 2020 thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ VNPT trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị, quản lý sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT và Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT - Vinaphone để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo. Tiếp tục duy trì Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) theo mô hình hạch toán độc lập.

Thực hiện sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại thành phố Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại thành phố Hà Nội). Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT - I); nghiên cứu thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện; nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp lại các doanh nghiệp có vốn góp của VNPT (sáp nhập CTCP Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào CTCP Cokyvina; sáp nhập CTCP KASATI vào CTCP Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ...); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại TPHCM theo quy định.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD); Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ I, II, III. Đơn vị sự nghiệp gồm: Bệnh viện Bưu điện và bệnh viện Đa khoa Bưu điện.

Các công ty con của VNPT gồm: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); Tổng công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) (nghiên cứu thành lập sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn); CTCP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology); CTCP Viễn thông Tin học Bưu điện (CT-IN); CTCP Thiết bị Bưu điện (POSTEF); Công ty VNPT GLOBAL HK (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Các công ty liên kết gồm: CTCP Cokyvina; CTCP Phát triển công nghệ và Truyền thông (VNTT); CTCP Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT PMC); CTCP Những trang vàng Việt Nam (VNYP); CTCP Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP); CTCP Đầu tư Phát triển công nghệ và Truyền thông (NEO); CTCP Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS); Công ty ATH Malaysia và Công ty ACASIA Malaysia (dự kiến chuyển giao vốn về VNPT Global sau khi thành lập).

Bên cạnh việc sắp xếp, tổ chức lại, VNPT cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị DN, tập trung vào các lĩnh vực hoàn thiện cơ chế quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán, quản lý  tài sản, nguồn vốn và đảm bảo cân đối dòng tiền... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn tập đoàn.

Các tin khác