VNĐ được hậu thuẫn
Trong tháng 11-2021, đồng bạc xanh đã leo lên đỉnh sau 16 tháng khi Mỹ công bố lạm phát cao nhất trong 30 năm. Có thời điểm, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), lên mức 96,94 điểm. Ghi nhận tại phiên giao dịch 3-12, chỉ số DXY vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao 96,15 điểm.
Trước đó vào đầu năm 2021, chỉ số này chỉ ở mức 90,535 điểm. Theo lẽ thường, đồng USD mạnh lên kéo theo sự mất giá của đồng tiền các nước khác, nhất là các nước mới nổi. Song đáng chú ý, VNĐ là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay, một câu chuyện hiếm lạ trên thị trường ngoại hối.
Nhìn lại trước đây kể từ năm 2001, VNĐ luôn trong xu hướng mất giá so với USD về mặt danh nghĩa, trung bình mỗi năm giảm khoảng 2,5%. Đến năm 2020, điều bất ngờ xuất hiện khi VNĐ tăng giá nhẹ 0,2% so với USD.
Nửa đầu năm 2021, tỷ giá bình ổn xoay quanh trong vùng giá 23.000 - 23.100 đồng/USD, nhưng qua nửa cuối năm tỷ giá USD/VNĐ lại nối tiếp xu hướng giảm, tức VNĐ tăng giá.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC nhận xét, chỉ trong 5 tháng cuối năm nay (tính đến tháng 11-2021), VNĐ đã tăng giá khoảng 2% so với USD.
Tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên NH đã có 2 lần giảm mạnh, về mức 22.750 đồng/USD vào tháng 8 và về mức 22.650 đồng/USD vào đầu tháng 11. Điều này tương ứng với 2 lần điều chỉnh hạ giá mua vào USD của NHNN. Đây cũng là mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Vì sao VNĐ có thể “ngược dòng” như vậy? Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là yếu tố cầu ngoại tệ không lớn, trong khi cung ngoại tệ rất dồi dào. Từ tháng 10-2021, cán cân thương mại đã đảo chiều từ nhập siêu sang xuất siêu.
Đến cuối tháng 11, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính thặng dư 225 triệu USD.
Đồng thời, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-11-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 11 tháng ước đạt 17,1 tỷ USD.
Năm nay, Việt Nam còn đón nhận một luồng kiều hối rất lớn. Theo NHNN chi nhánh TPHCM, lượng kiều hối về địa bàn TP trong 11 tháng qua ước tính 6,2 tỷ USD và cả năm ước đạt 6,5 – 6,6 tỷ USD.
Trên phạm vi cả nước, WorldBank và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD, dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam theo báo cáo của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đã đạt mốc 105 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam.
Ở phương diện cầu, trần lãi suất tiền gửi USD đã về mức 0%/năm, gửi USD không còn lợi như VNĐ, tình trạng găm giữ ngoại tệ cũng giảm. Lạm phát trong những năm gần đây cũng được kiểm soát tốt, củng cố niềm tin vào VNĐ.
Xét trên quy luật cung cầu, cung USD rất nhiều nhưng cầu ít, giá mua USD sẽ rẻ hơn cũng là điều tất yếu. Một điểm nữa cũng phải nhắc đến là việc Mỹ đã gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam, giúp nhà điều hành rộng tay hơn trong chính sách quản lý thị trường ngoại hối, chuyển từ phương thức mua kỳ hạn sang giao ngay.
Vẫn có áp lực?
Vẫn có áp lực?
Vậy diễn biến của tỷ giá USD trong thời gian tới sẽ như thế nào? Theo nhiều phân tích, những diễn biến về dòng tiền ngoại tệ hiện nay sẽ giúp nâng dự trữ ngoại hối, cũng là nền tảng và nguồn lực để NHNN tiếp tục điều hành chủ động và linh hoạt.
Theo đó, xu hướng mạnh lên của VNĐ so với USD tiếp tục được duy trì trong phần còn lại của năm 2021. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia NH UOB, tỷ giá USD/VNĐ sẽ tăng nhẹ lên mức 22.900 đồng/USD trong quý IV-2021, lên 23.000 đồng/USD trong quý I-2022, lên 23.100 đồng/USD trong quý II-2022 và 23.200 đồng/USD trong quý III-2022. Nhóm nghiên cứu HSBC dự báo trong năm 2022, tỷ giá USD/VNĐ sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng/USD.
Thực tế cũng có thể thấy, dù đang có nhiều lợi thế nhưng áp lực lên tỷ giá USD cũng không nhỏ. Bởi thặng dư thương mại năm nay rất thấp. Chưa kể đến sau khi dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam cũng mất nguồn thu ròng từ du lịch khoảng 5-6 tỷ USD.
Đồng thời, VNĐ có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế. Hiện đồng USD đang đứng ở ngưỡng cao. Định hướng sắp tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất lên. Điều này sẽ tiếp tục khiến đồng USD mạnh lên. Khi Fed giảm bơm đồng USD ra ngoài sẽ giúp đồng tiền này tăng giá và gây ra áp lực giảm giá đối với các đồng tiền khác, bao gồm VNĐ.
Không chỉ vậy, một chuyên gia tài chính cho rằng, rủi ro đối với VNĐ còn nằm ở chỗ đồng NDT có thể đảo chiều đột ngột, khi mà Fed được dự báo có thể sớm thu hẹp gói siêu nới lỏng định lượng (gói QE) hiện tại do lạm phát tăng nóng hơn dự kiến.
Còn nhớ tháng 8-2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến làn sóng bán tháo tài sản của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.
Theo đó, nhiều đồng tiền trong khu vực rớt giá mạnh và VNĐ cũng nằm trong vòng xoáy này. Đương nhiên, NHNN vẫn duy trì chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, nhưng những lợi thế hiện có về nguồn cung USD có khả năng trở thành những vấn đề nổi cộm vào năm tới, đó vẫn là những thách thức không thể bỏ qua.