Đã có những ý tưởng “giải cứu” thị trường như thu hẹp biên độ, nhưng lịch sử đã cho thấy các biện pháp hành chính đều không có tác dụng mà chỉ làm tình hình tệ hơn. TTCK chỉ có thể tự cân bằng khi giá CP giảm đủ nhiều để tương xứng với nguồn vốn sẵn có trong thị trường, từ đó các lực lượng thị trường sẽ tự điều tiết.
Giảm quá đà vì “giải chấp chéo”
Phần lớn các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đều biết đến khái niệm “giải chấp”, nếu như đã từng sử dụng margin và giá tài sản đảm bảo là CP giảm giá quá ngưỡng cho phép. Hiện nay thị trường đang lao dốc không phải do “dính phải đòn” giải chấp thông thường, mà là “giải chấp chéo”. Khái niệm “giải chấp chéo” ít người biết hơn, nhưng cũng không phải là mới.
Còn nhớ giai đoạn 2008, thanh khoản trên thị trường ngân hàng khô kiệt do lãi suất tăng quá cao, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu bắt buộc hút tiền về để kiềm chế lạm phát, thế là nhiều ông chủ doanh nghiệp (DN) cũng đã bị giải chấp tài sản quy mô lớn và các danh mục đầu tư liên quan cũng bị bán ra.
Tình huống hiện tại cũng tương tự, khi mặt bằng lãi suất lên cao, “room” tín dụng đã cạn, trong khi DN lại cần tiền mặt. Song điểm khác duy nhất là cú sốc trên thị trường trái phiếu DN nổ ra đúng thời điểm hiện tại, khiến nhu cầu tiền mặt càng cao.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn cũng như sức ép phải mua lại trái phiếu trước hạn (do NĐT yêu cầu hoặc tự DN thực hiện), khiến cơn khát thanh khoản càng tăng. Các DN/ông chủ nợ nần nhiều chỉ còn cách duy nhất là bán mọi loại tài sản dễ bán nhất để lấy tiền mặt, đó là CP đầu tư hoặc CP của chính DN mình.
Và một cơn bão hoàn hảo được kích hoạt, khi lượng CP lớn đã được các ông chủ cầm cố giờ phải bán đi, càng làm giá giảm sâu hơn và kích hoạt hoạt động giải chấp thông thường. Áp lực này quá lớn làm liên lụy đến cả các danh mục NĐT khác trên thị trường có sử dụng margin.
Cũng giống giai đoạn 2008, các giao dịch bán giải chấp là mang tính kỹ thuật, nên không thể đo đếm bằng các yếu tố cơ bản. Những câu hỏi đại loại như “tăng trưởng GDP tốt thế, DN lãi thế, sao giá CP vẫn giảm?”, hay “CP đã rất rẻ rồi tại sao vẫn phải bán?”... đều vô nghĩa. Bởi tâm điểm của loại giao dịch này là bán đi để lấy tiền, mọi yếu tố khác không quan trọng.
Có thể thấy hệ số định giá cơ bản của TTCK Việt Nam là P/E (dựa trên chỉ số VN Index) liên tục xuống thấp, nhưng thị trường vẫn không ngừng rơi.
Đầu tháng 4-2022, khi VN Index đạt đỉnh 1.500 điểm, P/E cũng chỉ 17,6 lần cũng không đắt, và đó là lý do có nhiều phân tích dự phóng chỉ số sẽ còn lên mức 1.800 điểm. Sau khi có kết quả kinh doanh quý II ấn tượng, thị trường phục hồi nhẹ, nhưng P/E ở đỉnh khoảng 13,7 lần và lại giảm tiếp. Kết quả kinh doanh quý III hầu hết DN vẫn lãi, nhưng thị trường tiếp tục rơi và đến cuối tuần qua P/E chỉ còn 9,5 lần, rẻ đến mức không tưởng.
Thị trường tàn phá rất nhiều danh mục đầu tư, nhưng cũng chính là tạo tiền đề cho khả năng tự cân bằng. Vì lượng tiền mặt đã thoát khỏi thị trường quá lớn, nên sức mua đã giảm đi rất nhiều. Cầu đã yếu thì cơ hội duy nhất để cân bằng là cung cũng phải yếu, tức là thị giá CP phải thật thấp để tương xứng. Thí dụ như phiên thanh khoản kỷ lục ngày 16-11 vừa qua, hơn 1,2 tỷ CP được giao dịch trên toàn thị trường, nhưng tổng giá trị chỉ hơn 16.000 tỷ đồng, trong khi cùng lượng đó hồi tháng 4 giao dịch cỡ 40.000 tỷ đồng.
Hệ quả tốt của hoạt động “giải chấp chéo” là rất nhiều CP không liên quan gì đến trái phiếu DN hay các ông chủ kẹt thanh khoản, cũng giảm giá trị theo. Các lực lượng thị trường sẽ nhìn vào sức hấp dẫn đó để đổ tiền vào mua. Do vậy chính lòng tham sẽ cứu thị trường mà không cần tác động hành chính gì cả.
Vốn ngoại vào ròng mạnh qua các quỹ ETF từ đầu tháng 10-2022 giữa bối cảnh TTCK Việt Nam lao dốc gây bất ngờ cho thế giới.
Vốn ngoại đi trước
Một tín hiệu của lòng tham là dòng vốn ngoại thông qua các quỹ ETF vẫn đổ vào Việt Nam. Chính hiện tượng đáng ngạc nhiên là TTCK Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong khi kinh tế tốt nhất thế giới, đã kích thích dòng vốn này. Các quỹ ETF để hút được vốn hẳn phải có một lý do để thuyết phục cổ đông: mức định giá rẻ, lợi nhuận DN tốt, vĩ mô vẫn ổn định.
Thống kê trên HoSE từ ngày 3-11 đến nay, tổng giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài khoảng 7.914 tỷ đồng, trong đó 7.494 tỷ đồng rót vào CP. Khối ngoại duy trì tỷ trọng mua chiếm từ 28% tới 35% tổng giao dịch sàn này mỗi ngày. Đây là tỷ trọng cao đột biến khi so với mức trung bình 10 tháng chỉ là 8,15%.
Trong khi đó các quỹ ETF nội bị rút vốn rất mạnh trong tháng 9-2022, giai đoạn áp lực thanh khoản bắt đầu được nhận thấy rõ ràng. 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là VFMVN Diamond ETF và VFM VN30 ETF, bị rút gần 441 tỷ đồng khiến quỹ này phải bán cả loạt CP như MBB, ACB, VPB, TCB, REE, FPT, MWG... càng tạo áp lực giảm giá. Không loại trừ đây cũng là hiệu ứng cần thanh khoản tiền mặt của các cổ đông góp vào quỹ này.
Ở chiều ngược lại, các ETF ngoại vẫn hút được tiền, nhất là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF từ Đài Loan. Chỉ từ đầu tháng 11 đến nay, quỹ này hút thêm tới 2.240,5 tỷ đồng. Dòng vốn ETF bắt đầu quay lại đổ mạnh vào TTCK Việt Nam từ đầu tháng 10 với khoảng 2.111,5 tỷ đồng qua các quỹ ngoại và 1.971,3 tỷ đồng qua các quỹ nội.
Riêng trong nửa đầu tháng 11-2022, tổng vốn vào qua các quỹ ETF khoảng 3.997,8 tỷ đồng nữa. Diễn biến này tương phản với xu hướng lao dốc mạnh của TTCK Việt Nam nhưng là hợp lý, vì giá càng giảm càng là cơ hội mua tốt giành cho người có tiền.