LSS trước áp lực đầu tư trái ngành

Là doanh nghiệp đầu ngành về mía đường đang niêm yết trên TTCK với thế mạnh cả về công nghệ lẫn tình hình tài chính, nhưng CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó từ phía cổ đông và NĐT trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Là doanh nghiệp đầu ngành về mía đường đang niêm yết trên TTCK với thế mạnh cả về công nghệ lẫn tình hình tài chính, nhưng CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó từ phía cổ đông và NĐT trong mùa ĐHCĐ năm nay.

Kết quả kinh doanh khả quan...

Theo thống kê, niên vụ 2010-2011 vừa qua, LSS đứng đầu về sản lượng khi chiếm đến 8% tổng sản lượng đường sản xuất trong nước. Đặc biệt, LSS có vùng nguyên liệu lên đến 15.000ha và chuỗi sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đạt hơn 7 tấn/ha. Con số này cao hơn hẳn so với bình quân của cả nước chỉ 4-5 tấn/ha và gần bằng với mức trung bình của Thái Lan.

Phân xưởng sản xuất đường tại Nhà máy mía đường Lam Sơn

Phân xưởng sản xuất đường tại Nhà máy mía đường Lam Sơn

Trong năm 2011, LSS đầu tư vào dự án nâng công suất ép của Nhà máy đường số 2 từ 4.500 tấn mía/ngày lên 7.500 tấn mía/ngày, qua đó đưa tổng công suất 2 nhà máy lên 10.000 tấn mía/ngày. Dự kiến sau khi hoàn thành trong năm 2012, LSS sẽ vượt qua CTCP Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) có công suất 8.000 tấn mía/năm để trở thành công ty có năng lực sản xuất mía lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, LSS cũng đầu tư xây dựng nhà máy điện công suất 13MW/năm nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu từ bã mía giúp giảm bớt chi phí.

Với thế mạnh này, việc huy động vốn của LSS diễn ra hết sức thuận lợi. Theo thống kê, LSS đã 3 lần tăng vốn kể từ khi cổ phần hóa năm 1999 với vốn ban đầu 150 tỷ đồng. Quý III-2011 công ty đã chia thưởng bằng CP với tỷ lệ 4:1, qua đó nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Ngoài ra, tính đến cuối năm 2011 các nguồn vốn khác của LSS như thặng dư, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận để lại khá lớn, lên tới 820 tỷ đồng.

Nguồn vốn hoạt động của LSS có tới 70% là vốn chủ sở hữu, các khoản nợ chỉ chiếm 30%, trong đó 63% (188 tỷ đồng) nợ vay dài hạn của ngân hàng. Nhờ nguồn vốn dồi dào, tỷ lệ vay nợ thấp nên LSS có khả năng độc lập cao về tài chính, đảm bảo cho doanh nghiệp luôn hoạt động với tính thanh khoản cao. Các hệ số thanh toán hiện hành và nhanh luôn được duy trì ở mức rất cao.

Thực tế, kể từ sau đáy khủng hoảng năm 2009 đến nay, LSS luôn đạt được kết quả kinh doanh hết sức khả quan với năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011, tổng lợi nhuận trước thuế của LSS đạt 517 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2010 là 394 tỷ đồng, tương đương với ESP là 8.298 đồng/CP.

Nhưng lỗ đầu tư trái ngành

Cũng vì có điều kiện dư thừa về vốn, LSS đã chạy theo phong trào đầu tư tài chính những năm gần đây. Dù mạnh dạn “cắt lỗ” các khoản đầu tư vào STB, VCB và VF1, nhưng đến nay danh mục đầu tư của LSS vẫn còn khá nhiều mã CK như: gần 3 triệu chứng chỉ quỹ VFMVF4, hơn 2,3 triệu cổ phần của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông và 3 triệu chứng chỉ Quỹ Chứng khoán Con hổ Việt Nam.

Phần lớn các khoản đầu tư này đều nằm trong tình trạng thua lỗ. Năm 2011, LSS đã phải trích lập dự phòng khoảng 59 tỷ đồng. Không chỉ có lĩnh vực tài chính, LSS còn có khoản đầu tư 24 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch sinh thái Linh Sơn tại Thọ Xuân (Thanh Hóa) và dự án khách sạn Lam Sơn tại Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Ngoài vấn nạn đầu tư trái ngành, hàng loạt những câu hỏi nóng được dự báo sẽ được các cổ đông mang ra chất vấn trong ĐHCĐ trong tháng 4 tới. Chẳng hạn, chiến lược tiêu thụ của doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn cung đường năm 2012 sẽ vượt xa lực cầu trong khi sản phẩm của LSS mới chỉ được tiêu thụ nội địa.

LSS đã có kế hoạch ứng phó như thế nào với tình hình thời tiết trong năm 2012 cũng được dự báo hết sức khắc nghiệt đối với ngành sản xuất đường. Ngoài các khoản lỗ đầu tư trái ngành, một hiện tượng khiến cho các cổ đông LSS hết sức quan ngại là trong năm qua chi phí tài chính lại tăng tới 94% so với năm 2010, chủ yếu là lỗ do chênh lệch tỷ giá (7,2 tỷ đồng) và chi phí lãi vay tăng (4,4 tỷ đồng).

Các tin khác