Lừa dối khách hàng, đại lý bảo hiểm có thể bị xử lý hình sự

(ĐTTCO) - Trả lời ĐTTC, LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng để chấn chỉnh lại thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) hiện nay cần có sự chung tay của nhiều chủ thể, từ người mua, doanh nghiệp (DN) và cả cơ quan quản lý. Trong đó, khâu kiểm soát tư vấn viên và xem xét hợp đồng quan trọng nhất.
Hình ảnh đẹp của tư vấn viên bảo hiểm đã bị phai mờ vì một số công ty chạy đua lợi nhuận bất chấp những tư vấn viên thiếu kiến thức.
Hình ảnh đẹp của tư vấn viên bảo hiểm đã bị phai mờ vì một số công ty chạy đua lợi nhuận bất chấp những tư vấn viên thiếu kiến thức.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước khi đặt bút ký hợp hợp đồng BHNT truyền thống hay liên kết đầu tư người mua nên chú ý đến những nội dung nào?

LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Trước khi đặt bút ký một hợp đồng BHNT truyền thống hay BHNT liên kết đầu tư, người mua cần lựa chọn công ty BHNT uy tín. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định loại bảo hiểm cần mua. Tiếp đó, nghiên cứu đặc điểm các loại, gói BHNT phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong quá trình lựa chọn có thể tham khảo lời khuyên từ các đơn vị tư vấn tài chính để có quyết định chính xác và phù hợp với mong muốn của bản thân. Yếu tố quan trọng nữa là người mua BHNT cần xem xét thật kỹ các thông tin được kê khai trong hợp đồng BHNT như thông tin cá nhân, gói bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên được kê khai trong hợp đồng.

Về phí BHNT và thời gian đóng phí có sự khác nhau đối với từng gói bảo hiểm. Cần tìm hiểu phí và thời gian được quy định trong hợp đồng để nắm các thông tin này. Với các trường hợp chi trả, bồi thường, không phải bất cứ trường hợp rủi ro nào xảy ra trong quá trình tham gia BHNT đều được chi trả hoặc bồi thường.

Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo về quyền lợi BHNT, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ những trường hợp bồi thường, chi trả, không bồi thường trong hợp đồng.

- Nhưng các hợp đồng BHNT thường rất dài và nhiều thuật ngữ chuyên ngành làm khó cho người mua bảo hiểm?

- Đúng là một hợp đồng BH thường rất dài, có thể khiến người đọc cảm thấy hoang mang về những gì nằm trong nội dung hợp đồng đó. Do vậy để đảm bảo quyền lợi cho người mua BH, bên cạnh hợp đồng các công ty phải có một bản tóm tắt kèm theo để nói về những nội dung trọng yếu mà người mua cần quan tâm. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành và theo nghĩa vụ về quản lý BH, bản tóm tắt như một công cụ hỗ trợ giúp người mua bảo hiểm có thể nhìn dưới một bức tranh đầy đủ của hợp đồng BH đó.

Trên thực tế giữa công ty BH và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến BH, thường chưa có quy định nào hướng dẫn về cách bản tóm tắt những nội dung hay ý chính của hợp đồng, nhằm giúp người mua có thể hiểu hơn về những nội dung có trong bảo hiểm, và hiểu rõ hơn bản chất của hợp đồng BH để người mua không bị nhầm lẫn.

Do vậy hầu hết những bản tóm tắt này thường xuất phát từ trách nhiệm công việc, cũng như nghiệp vụ của nhân viên hoặc chuyên viên tư vấn BH.

- Vậy để chấn chỉnh tình trạng này cần có những bổ sung chính sách gì để quản lý, kiểm soát được tốt hơn, thưa ông?

- Đầu tiên là ý thức của chính các công ty BH. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của công ty, các DN bảo hiểm cần nâng cao đào tạo nghiệp vụ, kiến thức bảo hiểm và đạo đức của tư vấn viên, bởi tư vấn viên bị áp lực doanh số nên có thể bất chấp dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng.

Đối với hoạt động tư vấn những sản phẩm bảo hiểm phức tạp như BH liên kết đầu tư, cần yêu cầu ghi âm lại quá trình tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Tổng đài viên chủ động định kỳ gọi điện hỏi thăm và tư vấn cho khách hàng, để kịp thời giải đáp các thắc mắc của khách hàng và hướng dẫn. Khi xảy ra khiếu nại, DN bảo hiểm cần nhanh chóng mời khách hàng giải quyết trực tiếp.

Về phía người mua BH, như tôi đã nói ở trên, là cần đọc kỹ thông tin và chỉ đồng ý giao kết hợp đồng khi hiểu được hết nội dung. Trong trường hợp không chắc chắn hoặc có sự khác biệt giữa nội dung tư vấn và thông tin tư vấn cung cấp, cần hỏi lại, thậm chí ghi âm lại cuộc trao đổi với nhân viên tư vấn và phía công ty BH để khi phát sinh tranh chấp sẽ có bằng chứng để chứng minh vấn đề.

Ở góc độ quản lý về chính sách, trách nhiệm của Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) và các cơ quan chuyên môn liên quan, cần tăng cường kiểm soát hoạt động của DN. Theo đó, Cục Quản lý, giám sát BH phải thường xuyên yêu cầu DN BHNT tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm của đại lý.

Đặc biệt Cục Quản lý, giám sát BH và DN cần có chế tài mạnh tay hơn và nghiêm túc xử lý đại lý BH vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của DN BH.

- Nhưng hiện không ít người mua BHNT đặt trọn niềm tin vào các tư vấn viên. Vậy nếu trong trường hợp người mua BH phát hiện bị lừa bởi tư vấn viên có thể khởi kiện, thưa ông?

- Khoản 1 Điều 16 Luật Kinh doanh BH năm 2022, cũng quy định việc giao kết và thực hiện hợp đồng BH phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; các bên tham gia hợp đồng BH phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng BH.

Trong trường hợp người mua BH phát hiện bị lừa bởi tư vấn viên, có thể tố giác hành vi đến cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân có thể khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền tuyên hợp đồng BH vô hiệu do bị lừa dối, hoặc tố cáo ra cơ quan cảnh sát điều tra vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu có bằng chứng chứng minh cho việc người mua BH bị lừa dối bởi tư vấn viên.

- Xin cảm ơn luật sư.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và DN cần có chế tài mạnh tay hơn và nghiêm túc xử lý đại lý BH vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của DN BH.

Các tin khác