Và sự việc nóng lên với vụ việc của diễn viên Ngọc Lan đã làm cho “giọt nước tràn ly”. Tất cả đang khiến niềm tin của người tiêu dùng vào bảo hiểm nhân thọ (BHNT) vốn chưa nhiều nay lại bị sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều người bắt đầu thấy hoang mang khi nghĩ đến những sản phẩm BH được mời gọi.
Hơn 25 năm chỉ 11% thị phần
Năm 1996 có thể xem như là năm BHNT được khai sinh ở thị trường Việt Nam, với hợp đồng đầu tiên được ra đời bởi Bảo Việt. Đến nay thị trường BHNT Việt Nam đã có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Tiềm năng cho BHNT là từ khóa mà tất cả các DN đều sử dụng khi đánh giá về thị trường Việt Nam.
Điều này không sai, khi Việt Nam hiện đang có tới 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, từ tiềm năng đến chiếm lĩnh thị trường thực sự không đơn giản.
Theo thống kê, đến nay mới có khoảng 11 triệu người tham gia BHNT, chiếm khoảng 11% dân số. Và để chinh phục được khoảng 11 triệu người này cũng không dễ dàng với các công ty BHNT, thậm chí có những cách tiếp cận khách hàng rất phản cảm.
Tiêu biểu như cách đây hơn 5 năm trở về trước, nhiều công ty BHNT đã khiến rất nhiều khách hàng cảm thấy như bị “khủng bố” bởi những cuộc điện thoại mời đến tham dự hội nghị, và chào bán các sản phẩm bảo hiểm. Thời đó nghề tư vấn BHNT rất hot, nhiều người không cần trình độ chỉ cần có “hoa môi”, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, sẽ được huấn luyện và trở thành chuyên viên tư vấn của một công ty BHNT, và bắt đầu “tra tấn” khách hàng bằng mọi cách qua điện thoại để mua BHNT.
Sau khi những cuộc gọi ấy lắng lại, một vài năm trở lại đây bên cạnh việc phát triển đội ngũ tư vấn viên, các công ty BHNT chuyển qua bắt tay với các ngân hàng để bán sản phẩm. Và hệ lụy cũng từ đây mà xuất hiện. Rất nhiều khách hàng khi vay tiền tại ngân hàng bị ép mua BH. Thậm chí gần đây không ít khách hàng tá hỏa khi tiền gửi tiết kiệm trở thành hợp đồng BHNT mà cụ thể được phản ánh nhiều nhất là hợp đồng BHNT với Manulife.
Với kênh tư vấn viên bán sản phẩm cũng xuất hiện nhiều bất an cho người mua, bởi nhiều tư vấn viên thiếu kiến thức lại mang nặng tâm thế làm sao chốt được hợp đồng để hưởng hoa hồng nên tư vấn sai lệch, khiến người mua bỏ qua những điểm mấu chốt của BHNT, chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Trường hợp của diễn viên Ngọc Lan những ngày qua là một thí dụ.
Cũng chính vì những cách làm phản cảm này mà một 1-2 trở lại đây, tỷ lệ tham gia mới và duy trì sản phẩm BHNT đang có nguy cơ giảm hoặc tăng trưởng rất thấp. Theo số liệu về thị trường BH Việt Nam năm 2022 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số hợp đồng BHNT khai thác mới đạt 3,4 triệu hợp đồng (giảm khoảng 4,2% so với số lượng hợp đồng khai thác mới của năm 2021). Quý I-2023 doanh thu phí BH khai thác mới của các DN BHNT chỉ tăng 3%, đây là mức tăng trưởng rất thấp trong vài năm trở lại đây.
Về tỷ lệ duy trì hợp đồng các sản phẩm bán qua ngân hàng được nhiều DN đánh giá có tỷ lệ duy trì rất thấp. Những con số này đang đặt ra câu hỏi các DN sẽ làm như thế nào để có thể khiến 15% dân số tham gia BHNT vào năm 2025 như dự báo?
Lỗi do DN hay tư vấn viên?
Hiện nay BHNT có hai loại hình chính, BHNT truyền thống (đơn thuần với mục đích là bảo hiểm) và BHNT kết hợp đầu tư. Trong đó sản phẩm BHNT kết hợp đầu tư đang được các công ty đẩy mạnh và dường như khách hàng khá ưa chuộng. Bằng chứng là năm 2022, các dòng sản phẩm liên kết đầu tư tiếp tục là các sản phẩm chủ đạo mang lại tỷ trọng doanh thu phí BH lớn nhất (chiếm khoảng 85% phí BHNT).
Nhưng những rắc rối cũng theo đó xuất hiện. Khi sa đà vào 2 chữ “đầu tư” thì phần nhiều tư vấn viên sẽ đánh vào tâm lý lợi nhuận, lãi suất mà người mua BH có được khi tham gia gói BH liên kết đầu tư, và bản thân người mua cũng dễ bị những yếu tố này chi phối dẫn đến quyết định mua sản phẩm mà quên đi rất nhiều yếu tố quan trọng khác, và một trong số đó đang nhận được nhiều sự quan tâm là thời hạn hợp đồng.
Thời điểm diễn viên Ngọc Lan lên tiếng trong nước mắt về hợp đồng BHNT 74 năm của mình, cô đã nhận về rất nhiều chỉ trích từ phần đông những người trong nghề cho rằng thiếu hiểu biết, lười… nên không đọc kỹ hợp đồng. Nhưng thực tế hợp đồng BHNT rất dài, rất nhiều thuật ngữ chuyên môn hay “mơ màng” thì làm sao người mua nắm bắt hết được. Thế nên mới cần tư vấn viên. Nhưng nhiều tư vấn viên kiến thức mỏng và chỉ cần chốt hợp đồng nên tư vấn sai lệch. Vậy DN BHNT có vô can?
Quả thật vai trò của các DN BHNT cũng không thể không nhắc đến. Trước khi tư vấn cho khách hàng các tư vấn viên phải được đào tạo, kiểm tra, vậy các DN ấy đã đào tạo và kiểm tra thế nào? Những câu hỏi này cần sớm được các DN BHNT trả lời cho người tiêu dùng. Xin đừng lấp liếm rằng những trường hợp gần đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thực tế đã có không ít những câu chuyện người mua bị hố bởi tư vấn viên được đăng tải liên tục trên các phương tiện truyền thông. Niềm tin rơi rụng dần khiến nhiều người lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm thà để tiền trong két, gửi ngân hàng (tất nhiên phải tìm hiểu kỹ để tránh rơi vào bẫy tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng BH) hơn là mua các sản phẩm BHNT.
Nếu cả xã hội thiếu đi niềm tin với BHNT thì điều gì xảy ra không ai nói trước được. Chỉ biết là đến nay tỷ lệ sở hữu hợp đồng BHNT của Việt Nam so với các nước khu vực và thế giới rất khiêm tốn. Nếu Việt Nam mới có khoảng 11% dân số có BHNT, thì Philippines là 38%, Malaysia là 50%, Singapore là 80% và Mỹ là 90%...
Sau sự việc của diễn viên Ngọc Lan, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, vừa có văn bản gửi các DN BHNT về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của DN. Tuy nhiên, có lẽ phía Bộ Tài chính cần có nhiều động thái siết chặt hơn việc quản lý để trả lại sự minh bạch cho thị trường, cũng như lấy lại niềm tin của khách hàng.
Đã đến lúc các DN BHNT nên có cuộc đua về chất lượng hơn là những cuộc đua giành vị trí đứng đầu doanh thu, nhất là doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.