Trong Luật Đất đai, giá đất và định giá đất là một trong những nội dung trọng yếu. Nếu khơi thông được vấn đề này thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một nội dung quan trọng là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó là định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề tài chính đất đai.
Góp ý vào dự thảo luật, một số đại biểu kiến nghị giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện để đảm bảo sát với giá thị trường, tuy nhiên cũng cần cân nhắc thêm về đề xuất này.
"Nhà nước là đại diện sở hữu toàn dân, Nhà nước quyết định giá đất là hợp lý nên không thể chuyển việc định giá đất sang một tổ chức khác. Chủ tài sản phải quyết định giá tài sản", ông Phạm Đình Cường, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, nêu quan điểm.
Điều 147 của dự thảo quy định các khoản thu tài chính từ đất đai, nhiều đại biểu kiến nghị cần bổ sung đầy đủ các khoản thu này, như thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
"Các trường hợp sử dụng đất hỗn hợp, đa mục đích thì chúng ta sẽ thực hiện các khoản nghĩa vụ, tài chính như thế nào thì trong dự thảo luật mới quy định phải nộp tiền sử dụng đất, tuy nhiên mục đích sử dụng có nhiều mục đích khác nhau, thuộc hình thức giao đất, thuê đất khác nhau", ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết.
Một số đại biểu cũng cho rằng, các vấn đề tài chính về đất đai chủ yếu liên quan đến giá đất và thuế. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này lại đang được quy định tại 3 luật khác nhau là Luật Đất đai, Luật Thuế và Luật Ngân sách, do vậy đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất quy định đồng bộ để đảm bảo cơ chế thu từ đất.