Chiều 17-4, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu tiên về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Lần đầu tiên luật hóa quy định về vốn nhà nước tại DN
Theo tờ trình của Chính phủ, các quy định pháp luật hiện nay về quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và quản lý hoạt động đầu tư, tài chính của DNNN đang tồn tại nhiều bất cập và chưa có một luật chung để điều chỉnh.
Chính vì vậy, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ra đời nhằm khắc phục những bất cập như đầu tư dàn trải, không đúng mục tiêu, phân định rõ vai trò trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, chủ sở hữu DN trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người quản lý DN; tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng mọi thành phần kinh tế; công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào DN.
Dự án Luật bao gồm 6 Chương, 44 Điều, về các nội dung: Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; Giám sát, báo cáo và công khai hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN; và các điều khoản thi hành.
Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đã đóng góp các ý kiến chi tiết cho dự thảo. Cụ thể như: làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo; giải thích từ ngữ thống nhất với các luật khác; rà soát các quy định về quản lý vốn DNNN cho chặt chẽ; sự phân công, phân cấp giữa đại diện chủ sở hữu với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị ; làm rõ mục tiêu vốn nhà nước, loại hình kinh doanh đầu tư của vốn tại DNNN; rà soát bổ sung các nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước; rà soát các thẩm quyền quyết định vốn nhà nước, các hình thức đầu tư vốn nhà nước tại DN; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN, giám sát và công khai vốn đầu tư nhà nước.
Đồng thời luật hoá các quy định đã ban hành, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đúng định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, đảm bảo nắm giữ những ngành kinh tế then chốt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển sắp tới để xác định nguồn vốn nhà nước sẽ đầu tư đến đâu, đầu tư 100% vốn, góp vốn hay vốn chi phối, xác định rõ những lĩnh vực nhà nước tham gia đầu tư, nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào DN...
Rà soát, thống nhất nhiều luật liên quan
Trả lời một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết khi xây dựng, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản luật liên quan. Ví dụ như đối với Luật NSNN quy định việc sử dụng NSNN để đầu tư vào các lĩnh vực, vào DN chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung. Quy trình đầu tư và quản lý vốn đầu tư nhà nước vào DN sẽ được quy định cụ thể trong Luật này.
Đối với Luật Doanh nghiệp, do phạm vi Luật chỉ quy định các vấn đề chung về DN, không phân biệt hình thức sở hữu nên các quy định về đầu tư và quản lý vốn nhà nước không còn phù hợp. Nếu quy định chương riêng, có thể vừa không bao quát được toàn diện các vấn đề, vừa thể hiện sự không bình đẳng giữa các thành phần. Vì thế, Luật này quy định về các vấn đề chưa được thể hiện tại Luật Doanh nghiệp.
Về mối quan hệ với Luật Đầu tư, theo quy định của Luật Đầu tư, quy định việc đầu tư vốn NN vào các tổ chức kinh tế là thông qua SCIC. Nhưng trên thực tế, việc này đang được thực hiện rất khác nhau. Do đó, các quy định này tại Luật Đầu tư không còn khả thi, không phù hợp thực tế. Về mối quan hệ với Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,… phạm vi điều chỉnh của Luật này là hoàn toàn phù hợp , không chồng chéo với các Luật hiện hành.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu, việc nâng tầm các văn bản hiện hành lên đã được tính đến, đặc biệt Nghị định về việc phân cấp về chủ sở hữu, hay đại diện chủ sở hữu, hay giám sát DNNN. Tuy nhiên, các Nghị định này rất mới, cho nên việc nâng tầm vẫn mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật, các quy định chi tiết phải có thời gian thêm.
Chính vì thế, trách nhiệm chủ sở hữu, phân công, phân cấp trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương và hội đồng thành viên, cơ chế giám sát trong dự luật này vẫn mang tính nguyên tắc, khái quát lại các văn bản hiện hành.
Theo dự kiến, Dự án Luật sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, dự kiến họp vào tháng 5 sắp tới.