Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở: Lo tăng người, tăng chi phí

(ĐTTCO)-Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn tại phiên họp toàn thể của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào sáng 17-11. 
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở: Lo tăng người, tăng chi phí
*62,79% đại biểu không tán thành việc tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành 2 dự án luật
*66,74% đại biểu không đồng ý chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an 
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nếu luật được thông qua, không những không giảm được 500.000 người mà còn làm tăng số người hưởng lương từ ngân sách địa phương thêm 804.000 người và đây là một gánh nặng lớn đối với các địa phương. ĐB chất vấn: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghĩ gì khi có thêm hàng trăm ngàn người ăn lương từ ngân sách?”.
Có tới 2 lần phát biểu, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết mình “xuất thân là công an”, có thời gian dài công tác tại cơ sở và kinh nghiệm công tác cho thấy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở các địa phương là rất khác nhau và việc “giảm người, giảm chi phí” như tờ trình Chính phủ nêu là không có cơ sở.
Tuy cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành luật, nhưng ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) có cùng băn khoăn: “Tờ trình nêu dự kiến giảm khoảng 500.000 người, nghĩa là sẽ giảm khoảng 3/4. Nhưng trong hồ sơ trình tôi chưa thấy đề ra tiêu chí nào để giảm và giảm lực lượng nào là chính: bảo vệ dân phố, công an xã hay dân phòng?”.
ĐB Trần Kim Yến nhận xét: “Tôi có cảm giác là dự thảo đang ưu tiên cho lực lượng công an xã đã kết thúc nhiệm vụ. Bởi dự thảo nêu các chức danh công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ thì được tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của luật này; mà không nhắc đến các lực lượng khác, trong khi tất cả các lực lượng đều có đóng góp”.
Việc tinh gọn, tinh giản, theo ĐB Trần Kim Yến, nên theo đặc thù của địa phương, chứ không nên máy móc giảm cơ học... 
Giải trình về các vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đây là một lực lượng rất quan trọng để thực hiện “4 tại chỗ” theo các quy định và phân cấp.
“Lực lượng công an chúng tôi chưa bao giờ và cũng chưa từng từ chối hoặc đổ, thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm, để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định của Quốc hội tiếp tục tiếp thu để giải trình những nội dung các ĐB đã có ý kiến tham gia đóng góp dự án luật.
Sáng cùng ngày, do còn có những ý kiến trái chiều về việc tách hay không tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành 2 dự án luật (là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐB Quốc hội về một số nội dung của 2 dự án luật này.
Theo kết quả được tổng hợp, về việc có tách thành 2 luật hay không, có 110 ĐB tán thành, tương đương 21,62% tổng số ĐB Quốc hội; 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79%.
Nội dung thứ hai được nêu trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Kết quả, có 86 phiếu chọn phương án chuyển, chiếm 7,88% tổng số ĐB Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án “không chuyển” là 321 phiếu, tương đương 66,74%.
Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khóa XV). Có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, tương đương 52,18% tổng số ĐB Quốc hội.
Chiều 17-11, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến các đại biểu (ĐB) Quốc hội về một số nội dung liên quan dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Kết quả có 393 đại biểu tham gia ý kiến. Về sự cần thiết ban hành luật này, có 290 ĐB (chiếm 73,69% số ĐB tham gia và 60,29% tổng số ĐB Quốc hội) cho rằng chưa cần thiết. Ở chiều ngược lại, có 96 ĐB cho là cần thiết ban hành luật.
Có 206/393 ĐB (52,42% số ĐB tham gia ý kiến và 42,83% tổng số ĐB) đồng ý trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của ĐB tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật.
Trước đó, thảo luận về dự án luật tại hội trường vào sáng cùng ngày, rất nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn và đề nghị cân nhắc về việc có nên gom 3 lực lượng dân phòng, tổ dân phố và công an bán chuyên trách để xây dựng luật hay không.
Cuối giờ chiều 17-11, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trả lời việc xây dựng 2 dự án luật Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với kết quả ý kiến thăm dò như vậy là cải tiến hay cải lùi, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội thừa nhận khó trả lời là tiến hay lùi, bởi dự thảo luật này liên quan đến vấn đề rất quan trọng: trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông. Còn quy trình trình luật là đúng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) rất cầu thị khi tiến hành xin ý kiến ĐB Quốc hội để báo cáo Quốc hội vào kỳ họp sau. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ rất trăn trở về việc kéo giảm tai nạn giao thông, mong muốn có sáng kiến về pháp luật để đạt mục tiêu này, do đó đã xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. “Nhưng khi trình ra mà ĐB có nhiều ý kiến khác nhau thì UBTVQH sẽ trả hồ sơ luật về để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý, quyết định việc có tiếp tục trình luật ra Quốc hội nữa hay không”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Các tin khác