Lùi Thông tư 02: Củng cố chất lượng tín dụng

NHNN đã chính thức lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm nữa, tức từ 1-6-2014 thay vì 1-6-2013 như quyết định trước đây. Cộng đồng doanh nghiệp và NHTM có những phản ứng tích cực với thông tin này. Tuy nhiên, theo các NHTM không vì việc này mà nới điều kiện cho vay, bởi áp lực nợ xấu gia tăng vẫn còn lớn đối với hệ thống NH.

NHNN đã chính thức lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm nữa, tức từ 1-6-2014 thay vì 1-6-2013 như quyết định trước đây. Cộng đồng doanh nghiệp và NHTM có những phản ứng tích cực với thông tin này. Tuy nhiên, theo các NHTM không vì việc này mà nới điều kiện cho vay, bởi áp lực nợ xấu gia tăng vẫn còn lớn đối với hệ thống NH.

Dưỡng sức doanh nghiệp và nhà băng

 Không thể phủ nhận Thông tư 02 của NHNN tiếp cận gần hơn các thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, củng cố các chuẩn mực an toàn một cách chặt chẽ và ở mức cao hơn.

Điều này phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu NHTM theo hướng lành mạnh và an toàn, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro cho hệ thống NH. Thực tế từ đầu năm 2013, nhiều NHTM đã “chạy thử” phân loại nợ theo Thông tư 02 và hầu hết đều thừa nhận nợ xấu của NH tăng vọt, chi phí dự phòng cũng tăng theo.

Áp dụng Thông tư 02 trong thời điểm sức khỏe của doanh nghiệp đang giảm sút, nền kinh tế đang khó khăn tất yếu sẽ gây sốc. Phải để doanh nghiệp hồi phục từ từ, tức cũng giúp dưỡng sức cho doanh nghiệp và NH.

Ông Nguyễn Đình Tùng,
Tổng giám đốc OCB

Nhất là việc Quyết định 780 về cơ cấu gia hạn cho khách hàng sẽ hết hiệu lực nếu Thông tư 02 được triển khai thực hiện, nhiều dự đoán nợ xấu của hệ thống NHTM có thể tăng lên 10-20%. NHNN sau khi khảo sát nhiều địa bàn trên cả nước cũng ghi nhận nếu áp dụng Thông tư 02 từ ngày 1-6-2013,  các NHTM càng phải “thắt chặt hầu bao”, làm cản trở khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Do vậy, NHNN cho biết việc hoãn này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay NH, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp NHTM có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đẩy đủ Thông tư 02.

Nhận định về thời hạn hoãn Thông tư 02, một phó tổng giám đốc NHTMCP cho rằng 1 năm không phải là dài để doanh nghiệp có thể hồi phục nhanh chóng, nhưng cũng đủ để Công ty Quản lý tài sản (VAMC) có thời gian triển khai và thực hiện các bước đầu mua nợ xấu của doanh nghiệp.

Khi đó, tổng nợ xấu của các NHTM giảm xuống, đồng thời thấy được các doanh nghiệp được cơ cấu và gia hạn theo Quyết định 780 có  khả năng phục hồi bền vững hay không. Nếu sau 1 năm các doanh nghiệp có các khoản nợ được gia hạn, cơ cấu nợ và được vay nợ mới vẫn chưa thoát được khó khăn, các NHTM có thể tiến hành phân loại nợ và áp dụng các biện pháp mạnh cũng chưa muộn.

Giám sát chặt chẽ dòng vốn

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình cũng có không ít quan điểm lo ngại việc trì hoãn thực hiện Thông tư 02 chỉ giải quyết khó khăn tạm thời và có khả năng “ủ” nợ xấu của các NHTM, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống trong dài hạn.

Theo một chuyên gia NH, Thông tư 02 là bước tiến trong quản lý và củng cố an toàn hệ thống, tiếp cận gần hơn các chuẩn quốc tế, tạo hành lang chặt chẽ, sát thực đối với mức độ an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cụ thể nhất ở đây là phân loại nợ và xử lý nợ xấu.

Theo đó, Thông tư 02 sẽ lột tả đầy đủ, chính xác chất lượng tài sản của các NHTM và những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Khi có được bức tranh sát thực hơn, việc ứng xử với NH và doanh nghiệp sẽ hợp lý hơn.

Do vậy, thay vì giãn cả Thông tư 02, NHNN nên giãn đối với nội dung liên quan đến các khoản nợ đang cơ cấu của doanh nghiệp, còn các quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, quy định thu thập số liệu thông tin khách hàng… nên yêu cầu các NHTM thực hiện ngay.

Giãn Thông tư 02 sẽ tạo thêm sức đề kháng cho NH và doanh nghiệp. Ảnh: LONG THANH

Giãn Thông tư 02 sẽ tạo thêm sức đề kháng cho NH và doanh nghiệp. Ảnh: LONG THANH

Có ý kiến cho rằng trong Thông tư 02 NHNN yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đối với tín dụng qua thẻ, số tiền trả thay theo cam kết ngoại bảng, số tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên TTCK, ủy thác cấp tín dụng.

Đây là những khoản tín dụng từ trước nay chưa có quy định rõ ràng trong quản lý phân loại nợ, nên đã xảy ra tình trạng nhiều NHTM đổ vốn cho vay qua các phương thức này. Nếu giãn Thông tư 02, NHNN giám sát thường xuyên, chặt chẽ các dòng vốn tín dụng chạy qua lĩnh vực này.

Có thể thấy, nếu buộc phải tiến hành phân loại nợ, xếp hạng tín dụng theo Thông tư 02, nhiều doanh nghiệp khó có đủ điều kiện để được vay vốn. Đặc biệt, nếu bảng xếp hạng tín dụng của các nhóm khách hàng xấu đi, nhóm nợ xấu gia tăng, sẽ buộc các khoản trích lập dự phòng rủi ro của NHTM tăng theo.

Điều này dẫn tới lợi nhuận của các NHTM sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn phải thấy rằng việc xử lý nợ xấu phải thực hiện và việc phân định rõ các khoản nợ, nợ xấu là yêu cầu bắt buộc. Bởi chỉ có minh bạch trong phân loại nợ, hệ thống NHTM mới giải quyết nhanh và dứt điểm tình trạng nợ xấu.

Hy vọng sau 1 năm, khi sức khỏe của các NHTM và doanh nghiệp đã khá hơn, Thông tư 02 sẽ được thực thi và không còn tiếp tục trì hoãn lần nữa.

Các tin khác