Ông Ismail Sabri Yaakob là Thủ tướng thứ ba của Malaysia trong vòng ba năm trở lại đây. Cung điện hoàng gia Malaysia cho biết thêm, ông Ismail Sabri Yaakob sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 21/8 sau khi nhận được sự ủng hộ của 114 thành viên Quốc hội, nhiều hơn số phiếu cần thiết 111.
Trước đó, ông Muhyiddin Yassin, người tiền nhiệm của tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, đã từ chức vào ngày 16/8 sau hơn 17 tháng cầm quyền. Ông Muhyiddin Yassin đã mất đi sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội do đấu đá nội bộ trong liên minh chính trị cầm quyền.
Việc bổ nhiệm Thủ tướng đối với ông Ismail Sabri Yaakob, người từng là Phó thủ tướng dưới thời ông Muhyiddin, về cơ bản sẽ giữ nguyên liên minh cầm quyền. Nhưng sự đi lên của ông Ismail Sabri Yaakob mang ý nghĩa rằng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) - đảng chính trị cầm quyền lâu nhất của Malaysia - đã giành lại vị trí Thủ tướng sau thất bại gây sốc vào năm 2018.
UMNO là đảng thống trị trong liên minh lãnh đạo Malaysia hơn 60 năm qua, nhưng đã mất quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 do bê bối tài chính liên quan đến Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.
Đảng này trở lại nắm quyền vào năm 2020 sau khi Thủ tướng khi đó Mahathir Mohamad đã bất ngờ từ chức. Động thái này đã tạo cơ hội cho ông Muhyiddin Yassin thành lập liên minh cầm quyền hiện nay. Trong tuyên bố ngày 19/8, ông Muhyiddin Yassin cho biết các nhà lập pháp trong liên minh không thuộc UMNO sẽ ủng hộ ông Ismail làm Thủ tướng mới, với điều kiện Nội các mới không có bất kỳ thành viên nào bị tòa án buộc tội.
Một số nhà lập pháp của UMNO, bao gồm Chủ tịch đảng Ahmad Zahid Hamidi và cựu Thủ tướng Najib Razak, hiện đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, cả hai đều phủ nhận hành vi sai trái.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc bổ nhiệm ông Ismail Sabri Yaakob làm Thủ tướng mới sẽ không giúp chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị mà Malaysia phải đối mặt kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Tình hình chính trị ở Malaysia là "khuôn mẫu dẫn đến bất ổn", ông Peter Mumford, Trưởng Bộ phận tư vấn rủi ro khu vực Đông Nam Á và Nam Á tại Eurasia Group bình luận trên đài CNBC. Chuyên gia này cho biết, Malaysia có nhiều đảng phái chính trị nhưng không đảng nào nắm giữ hơn 20% số ghế trong Quốc hội, trong khi các chính trị gia không khác nhau nhiều về hệ tư tưởng kinh tế.
"Một trong những cách quan trọng để (Malaysia) thoát khỏi tình trạng lộn xộn chính trị hiện nay là tiến hành thêm một cuộc tổng tuyển cử, và sau đó là các cuộc đàm phán về việc ai có thể là Thủ tướng tiếp theo. Và nếu những cuộc bầu cử đó cho ra kết quả rằng một đảng hoặc một liên minh nào nắm đa số rõ rệt, thì sẽ có chính phủ ổn định hơn", ông Mumford nhận định.