M&A NHTM: Quan điểm và cách thức tiến hành

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã để lại những hệ lụy lớn cho hầu hết nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép do quá trình phục hồi diễn ra chậm và cuộc khủng hoảng nợ công đang có xu hướng lan rộng ở châu Âu, khiến kinh tế thế giới và nền tài chính toàn cầu đang đứng trước nhiều bất ổn.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã để lại những hệ lụy lớn cho hầu hết nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cho đến nay, kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép do quá trình phục hồi diễn ra chậm và cuộc khủng hoảng nợ công đang có xu hướng lan rộng ở châu Âu, khiến kinh tế thế giới và nền tài chính toàn cầu đang đứng trước nhiều bất ổn.

Nhận rõ yếu kém

Vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Từ cuối năm 2008, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam tồn tại quá nhiều ngân hàng, hoạt động của các ngân hàng còn nhiều yếu kém, ngân hàng nước ta lại có quy mô vốn quá mỏng so với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới, kể cả đối với các NHTM lớn có vốn của Nhà nước.

Vì vậy, tăng vốn điều lệ cuối năm 2008 và cuối năm 2010 là thời điểm thuận lợi để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thông qua việc sáp nhập, hợp nhất. Nhưng rồi, các cơ hội này đã lần lượt bị bỏ qua. Một trong các lý do chủ yếu vì các nhà quản lý không muốn nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng chịu thêm tác động bất lợi từ việc tái cấu trúc NHTM, khi nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ trong và ngoài nước.

Tái cấu trúc hệ thống là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng hiện nay. Ảnh: LÃ ANH 

 Tái cấu trúc hệ thống là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng hiện nay. Ảnh: LÃ ANH

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã “vượt qua” cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không có một ngân hàng nào bị phá sản, sáp nhập, hợp nhất hay giải thể, trong khi tại Hoa Kỳ có tới hàng trăm ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, những bất ổn của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bộc lộ ngày càng rõ.

Biểu hiện rõ nhất là những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, ngân hàng với sự vi phạm nghiêm trọng, có tính hệ thống đối với việc vượt trần lãi suất huy động, “lách” trần tín dụng, bản chất của hoạt động tiền tệ, ngân hàng bị làm sai lệch, méo mó, khó kiểm soát, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền với sự tham gia của cán bộ ngân hàng ngày càng gia tăng…

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ những yếu kém về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, năng lực quản trị, điều hành của một số NHTM. Sự yếu kém này khiến cho một số ngân hàng nỗ lực duy trì sự tồn tại bằng mọi giá thông qua việc áp dụng nhiều hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo phản ứng lan truyền trong toàn hệ thống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dần lập lại trật tự và trả lại đúng bản chất hoạt động của thị trường tiền tệ, ngân hàng. Cũng vì thế, những yếu kém vốn có của hệ thống ngân hàng càng bộc lộ rõ hơn và đe dọa đến sự ổn định chung của toàn hệ thống. 

Tái cơ cấu - yêu cầu thực tế

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, với mục tiêu tiên quyết là bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì quan điểm và bước đi trong quá trình tái cấu trúc cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp để hạn chế tối đa sự tổn thương và những xáo trộn bất lợi cho hệ thống ngân hàng cũng như cả nền kinh tế.

M&A NHTM: Quan điểm và cách thức tiến hành ảnh 2Giải pháp phù hợp nhất để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các ngân hàng. Quá trình này không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng yếu với ngân hàng mạnh hay giữa các ngân hàng yếu với nhau, mà bản thân giữa các ngân hàng mạnh cũng cần có sự liên kết, sáp nhập, hợp nhất để tạo ra những ngân hàng lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
M&A NHTM: Quan điểm và cách thức tiến hành ảnh 3

Có không ít ý kiến cho rằng, cần phải coi việc phá sản ngân hàng là chuyện bình thường như phá sản doanh nghiệp, nhưng đối với một lĩnh vực hoạt động nhạy cảm và có tính lan truyền rộng như tiền tệ, ngân hàng, việc phá sản ngân hàng sẽ để lại nhiều hệ lụy cho cả nền kinh tế, nhất là đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng với dư nợ tín dụng chiếm khoảng 120% GDP và vốn tự có của các ngân hàng hiện vẫn còn quá mỏng so với các nước trên thế giới.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước phát triển, đây chỉ là giải pháp cuối cùng khi chính phủ của các quốc gia này không thể nâng đỡ nổi các ngân hàng và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng không còn hiệu quả.

Quan điểm của NHNN là không phân biệt ngân hàng nhỏ hay lớn mà chỉ phân biệt ngân hàng mạnh hay yếu.

Mục tiêu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là nhằm: (i) tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hiệu quả, hoạt động ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, có sức sống và khả năng cạnh tranh tốt trong môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đầy biến động; (ii) người dân được tiếp cận sâu, rộng mọi loại hình dịch vụ ngân hàng với chất lượng ngày càng cao; (iii) tạo ra một hệ thống ngân hàng đa dạng về loại hình, quan hệ sở hữu; đa dạng về quy mô.

Có các ngân hàng đủ mạnh để có thể cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng trong nước; có các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa hoạt động trong những phân khúc thị trường khác nhau.

Lộ trình và tiến trình thực hiện

M&A NHTM: Quan điểm và cách thức tiến hành ảnh 4Mỗi năm, thế giới có hàng ngàn cuộc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này. Ở Hàn Quốc, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở vững chắc về mặt tài chính cho phát triển kinh tế bền vững, nước này đã chủ động cho hợp nhất, sáp nhập hàng loạt ngân hàng và đưa số ngân hàng của nước này từ con số 33 vào năm 1997 xuống còn 19 vào năm 2009. Tương tự, Trung Quốc và Singapore đã từng có hàng trăm NHTM, song đến nay con số này chỉ còn rất ít.
M&A NHTM: Quan điểm và cách thức tiến hành ảnh 5

Sẽ hiệu quả hơn nếu quá trình này diễn ra tự nguyện thay vì chịu sự ép buộc của các cơ quan quản lý. Chính vì vậy, sẽ là khôn ngoan hơn, nếu các ngân hàng chủ động tìm ra hướng đi cho mình. Đối với ngân hàng hoạt động yếu kém, việc sáp nhập vào các ngân hàng lớn có vẻ là giải pháp tối ưu.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang dưới mệnh giá thì việc tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ngân hàng hoạt động yếu kém.

Thêm vào đó, với các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt của NHNN thời gian gần đây, các yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh đã bị triệt tiêu thì các ngân hàng chưa có uy tín, thương hiệu sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Khi không thể tự tồn tại, thì việc sáp nhập, bán lại để phát triển là lựa chọn tối ưu.

Đối với các ngân hàng mạnh, có uy tín, thương hiệu, việc liên kết, hợp nhất để tạo ra một thương hiệu mới sẽ là yếu tố cộng hưởng cho sự phát triển chung của các ngân hàng hợp nhất. Có thể các NHTM trong nước còn băn khoăn, thậm chí hoang mang, lo lắng trước vấn đề này. Nhưng với thế giới, đây là xu hướng tất yếu và là hiện tượng phổ biến.

Xét trên lợi ích chung của toàn hệ thống, quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho toàn hệ thống. Để đẩy nhanh quá trình này, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp khuyến khích các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua bán lại, như chính sách ưu đãi về thuế, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và công khai, minh bạch thông tin để bản thân các ngân hàng cũng như người dân và toàn xã hội hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề hợp nhất, sáp nhập, mua bán lại ngân hàng, làm cho người gửi tiền, người vay tiền hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập.

Các tin khác