Thế nhưng, chỉ xử Alibaba thì liệu thị trường có lành mạnh khi vẫn còn nhiều dự án “ma”, căn hộ chung cư bán cho nhiều người, chủ đầu tư bỏ trốn… vẫn còn đó?!
Sớm làm sạch thị trường
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có.
Đặc biệt, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, trong quá trình điều tra nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước thì xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND các tỉnh phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản, khi đã để xảy ra vụ án trên địa bàn.
Qua đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh thành tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản, tiến hành rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Được biết, không chỉ Alibaba mà hiện còn rất nhiều công ty tự vẽ dự án, phân lô bán nền không phù hợp quy hoạch, có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước. Nhiều dự án tự vẽ để được tách thửa, buộc lô đất phải giáp mặt tiền đường nên chủ dự án đã tự “hiến đất làm đường” trong chính khu đất của mình rồi tách thửa. Việc này do UBND cấp xã phê duyệt, đã giúp cho những mảnh đất nông nghiệp giá rẻ được tách thửa và bán với giá cao ngất, dù không được lên thổ cư toàn bộ, không được cấp phép xây dựng.
Một số dự án chủ đầu tư chưa hoàn thành giải tỏa đền bù, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thuế đất đối với nhà nước, nhưng vẽ bán cho dân khiến người mua đất hàng chục năm không được nhận nền, nếu có nhận cũng không được xây dựng. Điển hình là dự án của Công ty Phi Long (huyện Bình Chánh) bị bà con khiếu nại, kêu cứu nhưng nền đất mua 10 năm không xây dựng được.
Hay dự án chung cư Đại Thành (tại quận Tân Phú) bán căn hộ 10 năm rồi vẫn xây chưa xong, nay chủ đầu tư là Công ty TNHH XD-TM-DV-SX Đại Thành còn nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chi Cục thuế Tân Bình (nơi công ty đặt văn phòng) đã cưỡng chế không cho sử dụng hóa đơn nhưng công ty vẫn bán dự án cho người khác, gây tranh chấp, bị thi hành án ngăn chặn toàn bộ dự án khiến hàng trăm người dân mua nhà không sang nhượng được.
Trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu?
Mặc dù theo quy định tại Điều 77 Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng có tránh nhiệm kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản, phối hợp với UBND các tỉnh kiểm tra, rà soát dự án. Nhiệm vụ chính thuộc về UBND cấp tỉnh phải thanh tra, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, điều chỉnh và cho phép chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều dự án chưa đủ điều kiện vẫn được mở bán rầm rộ.
Trước đây, Sở Xây dựng TPHCM cũng từng cho biết sẽ công bố danh sách dự án đủ điều kiện mở bán, nhưng đến giờ người dân vẫn “ngập” trong các thông tin quảng cáo sai sự thật, không biết hỏi ai. Không ít dự án lách luật bằng các loại hợp đồng đặt chỗ, giữ chỗ, cọc, góp vốn… không đúng mẫu quy định áp dụng cho hoạt động mua bán, sang nhượng bất động sản nhưng không cơ quan nhà nước nào “thổi còi” để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Thậm chí, đến nay nhiều dự án mà chủ đầu tư dùng căn hộ bán cho nhiều người hoặc mang thế chấp ngân hàng, nhưng cơ quan công an không khởi tố, người dân phải kêu cứu khắp nơi…
Trong bối cảnh thị trường có nhiều dự án vi phạm quy định pháp luật, từ quý 2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản; kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án bất động sản chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề pháp lý, vi phạm về xây dựng, dự án không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ; dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân...
Thế nhưng, đến nay các dự án sai phạm vẫn còn đó, người dân khiếu nại khắp nơi vẫn không được giải quyết. Điều đó khiến người dân nghi ngờ thị trường bát nháo do có sự tiếp tay, bảo kê của một số cán bộ.