Một trong những cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn tại CTCP Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã CK DIG) là ông Trần Quí Thanh, hiện đang nắm giữ 5% cổ phần, không có mặt tại ĐHCĐ.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, ĐHCĐ thường niên 2023 lần thứ 1 của DIC Corp đã không thể tổ chức vào chiều ngày 28-6 do số cổ đông tham dự chỉ chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chia sẻ bên lề ĐHCĐ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn, cho biết DIC Corp hiện có khoảng 64.000 cổ đông, trong đó nhỏ lẻ giao dịch "lướt sóng" trên sàn rất nhiều. Có thời điểm doanh nghiệp có đến 80.000 cổ đông. Do vậy, việc cổ đông lớn là ông Trần Quí Thanh vắng mặt cũng là lý do khiến ĐHCĐ không thể tiến hành.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đánh mất niềm tin khi liên tục thất hứa với cổ đông và NĐT |
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm về tình cảnh của thị trường bất động sản hiện tại. Không riêng DIC Corp, nhiều chủ đầu tư khác đều bị vướng pháp lý lại hết, đặc biệt với mảng bất động sản nghỉ dưỡng du lịch. Dự báo năm 2023 còn rất nhiều khó khăn nên DIC Corp không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng đầu tư phát triển mà chú trọng bảo toàn vốn, phấn đấu có lợi nhuận để chia cổ tức và quyền lợi của NĐT.
Dù dự báo khó khăn nhưng theo tài liệu đã công bố, DIC Group trình kế hoạch sản xuất năm 2023 hết sức “khủng” với doanh thu hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 98%), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 604%), cổ tức từ 8-15%.
Thế nhưng, trên thị trường, sau thông tin DIC Corp tổ chức ĐHCĐ bất thành, CP DIG tiếp tục bị NĐT bán tháo và hiện đang giảm hơn 3% xuống còn 21.700 đồng.
Việc cổ đông tháo chạy khỏi DIG cho thấy cổ đông đã không còn đặt nhiều niềm tin vào lời hứa hẹn của HĐQT, nhất là sau hàng loạt sự kiện xảy ra với doanh nghiệp. Đơn cử là sự kiện Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIC Corp.
Trước đó, bản thân ông Tuấn và các thành viên trong gia đình bị các CTCK bán giải chấp hàng chục triệu CP DIG. Đáng chú ý, trong thời gian bị bán giải chấp, ông Tuấn và các thành viên trong gia đình liên tục công bố mua lại CP DIG với số lượng cực lớn.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ bất thường năm 2022 của DIC diễn ra trong giữa tháng 10-2022, ông khẳng định nếu giá DIG sau ngày 30-10 vẫn dưới 30.000 đồng, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu CP. Thế nhưng, ông Tuấn và các con thường xuyên viện lý do để không mua CP như đăng ký, thậm chí còn bị CTCK bán giải chấp thêm CP.
Quay lại với kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 lần thứ 2, theo một NĐT có kinh nghiệm, với cơ cấu cổ đông nhỏ lẻ chiếm số lượng áp đảo thì việc hội đủ 50% cổ đông có quyền biểu quyết như hiện tại là cực khó. Càng khó hơn khi HĐQT DIC Corp vẫn "cố chấp" giữ quan điểm tổ chức ở TP Vũng Tàu, thay vì tổ chức tại TPHCM, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cổ đông trong việc di chuyển.