Mặt trái việc đua lên sàn

Những năm trước, mỗi khi thị trường xấu, các doanh nghiệp thường “ếm” CP lại chờ đợt phục hồi mới lên sàn. Nhưng năm nay, tình thế đã đảo ngược khi nhiều DN vẫn quyết tâm lên sàn dù thị trường đang rất ảm đạm.

Những năm trước, mỗi khi thị trường xấu, các doanh nghiệp thường “ếm” CP lại chờ đợt phục hồi mới lên sàn. Nhưng năm nay, tình thế đã đảo ngược khi nhiều DN vẫn quyết tâm lên sàn dù thị trường đang rất ảm đạm.

Xả hàng

 Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Ngày 20-6, 16,8 triệu CP của CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM) chào sàn HOSE với giá 3.0. Nhưng kể từ đó đến nay, BGM chỉ tăng được vỏn vẹn 3 phiên, còn lại đều giảm, cuối tuần qua đóng cửa ở mức 8.500 đồng/CP.

Tính từ lúc chào sàn đến nay, giá trị vốn hóa của BGM đã bốc hơi khoảng 360 tỷ đồng. Theo CTCK Hamico (đơn vị tư vấn cho BGM niêm yết), EPS dự kiến năm 2011 của BGM đạt 5.050 đồng/CP, tức với giá 3.0 thì P/E năm 2011 của BGM chỉ khoảng 6 lần, còn mức giá gần nhất chưa đến 2 lần, vô cùng rẻ. Cùng một khoảng thời gian VN Index chỉ giảm 6% nhưng BGM đã giảm gần 72%, tức giảm nhanh gấp 12 lần thị trường.

Rất khó “đổ thừa” thị trường xấu nên BGM rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy. Lên sàn giá cao hay thấp luôn là một bài toán khó đối với doanh nghiệp lẫn CTCK tư vấn niêm yết. Chỉ có năm 2009, chiến lược chào sàn giá thấp để tạo đòn bẩy về giá được thực thi đại trà và phát huy tác dụng, còn nay đa số doanh nghiệp đều sợ chào sàn với giá thấp sẽ khiến CP trở nên rẻ mạt và thiếu sức bật.

Nhưng có vẻ như BGM đã “nói thách” hơi quá, hoặc theo suy đoán của một NĐT có kinh nghiệm thì BGM biết nhưng vẫn “cố đấm ăn xôi” để một số cá nhân xả hàng, vì CP chào sàn 3.0 khi giá giảm xuống 1.5 sẽ có những động tác hô hào giá rẻ, NĐT mua vào, trong khi những người được mua giá 1.0-1.2 bán ra vẫn lời 20-30%, rất đáng để “thử”.

Điều này dẫn đến rủi ro vì áp lực xả hàng, nhiều cổ đông lớn có thể đẩy doanh nghiệp của mình niêm yết với giá cao ngất, từ đó không thể nhìn ra được giá trị thực của hàng hóa và NĐT bên ngoài rất dễ lãnh “củ xả”.

Chạy lỗ

Khoảng 2 tuần trước, CTCK BIDV-BSC (mã BSI) đã đưa 86,5 triệu CP của mình lên sàn HOSE với giá 1.3. BSC là một trong những CTCK đầu tiên tại Việt Nam, từng là một ông lớn trên thị trường, nhưng hiện nay lại đang “khép mình” hơn bao giờ hết và xem ra khó có thể ngồi cùng chiếu với SSI hay HCM.

Vì vậy, số phiên giảm của BSI áp đảo phiên tăng cũng không có gì khó hiểu, nhưng khá ngạc nhiên là cuối tuần qua CP này lại tăng trần lên mức 8.600 đồng/CP trong khi thị trường giảm điểm. Sắp tới đây, CTCK Bảo Minh (BMSC) cũng chuẩn bị niêm yết tại HOSE.

So về tầm cỡ, chắc BMSC không thể hơn nổi BSI và như vậy lãnh đạo của công ty chắc đã nhìn ra kết cục CP của mình sẽ giảm xuống dưới mệnh giá, thậm chí xui xẻo vẫn có thể về đến 0.5-0.6. Nhưng có vẻ như các CTCK nói riêng và một loạt doanh nghiệp chuẩn bị chào sàn nói chung đều không đặt vấn đề niêm yết để CP có giá hay cổ đông có lãi nữa.

Theo công bố của BSC, 5 tháng đầu năm công ty có lợi nhuận trước thuế 2,8 tỷ đồng, còn trong 2 năm gần nhất là 2009 và 2010 cũng đều có lãi, tức đủ tiêu chuẩn niêm yết tại HOSE. Nhưng không ai đảm bảo đến cuối năm nay lợi nhuận của BSC vẫn là số dương, điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể niêm yết.

Trong một chừng mực nào đó, việc BSC hay một số CTCK khác chọn niêm yết trong lúc này tạo ra cảm giác họ đang “chạy lỗ” trong năm 2011. Nói như một phó phòng tư vấn tài chính giàu kinh nghiệm, chạy lỗ chỉ là một phần, nhiều khả năng HOSE và HNX sẽ siết lại các tiêu chuẩn niêm yết nhằm nâng chất lượng hàng hóa. Vì vậy, cho dù niêm yết có thể khiến giá trị công ty sụt giảm về mức rẻ mạt, nhưng tất cả vẫn muốn “đặt cục gạch” trên sàn cho yên tâm.

Ngoài ra, đối với một số thành viên của các tập đoàn lớn, việc niêm yết là để phục vụ cho một chiến lược lâu dài. Thí dụ, sau BSC một thành viên khác của BIDV cũng lên sàn. Đây sẽ là một lợi thế trong trường hợp BIDV tiến hành cổ phần hóa, rồi IPO, vì càng nhiều công ty thành viên lên sàn, giá trị của công ty mẹ sẽ được nhìn nhận một cách rõ ràng, minh bạch hơn.

Không niêm yết, cổ đông bị thiệt, niêm yết theo kiểu “cố đấm ăn xôi”, thị trường bị thiệt. NĐT nhìn thấy một CTCK lên sàn, biết chắc cuối năm lỗ, sẽ khó có chuyện bỏ tiền ra mua. Không có người mua, CP không biết bán cho ai, không thanh khoản, thị trường không được lợi mà còn thêm một gánh nặng.

Các tin khác