Metro số 2 vẫn còn xa

(ĐTTCO) - Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dù chậm tiến độ, nhưng vẫn có thể hẹn được ngày về đích (dự kiến chạy thử vào năm 2019 và chạy chính thức vào năm 2020).

Nhưng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng do Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TPHCM làm chủ đầu tư, vẫn còn loay hoay với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và cập nhật hồ sơ mời thầu.

6 năm khởi động nhiều gói thầu vẫn còn trên giấy

Theo Quyết định 4474/QĐ - UBND do UBND TPHCM phê duyệt, dự án metro số 2 lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2016. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, trong 5 gói thầu chính của toàn bộ dự án mới chỉ có gói thầu CP1- Tòa nhà văn phòng tại Depot Tham Lương (quận 12) đã hoàn thành, còn các gói thầu còn lại đang còn trên giấy. Mới đây, Ban QLĐSĐT đã trình UBND TP phê duyệt tháng 1-2017, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì thẩm định và dự kiến quý III-2017 hoàn thành. Ngoài ra, UBND TP cũng đã ủy quyền cho Ban QLĐSĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế nền tảng các gói thầu và đang phối hợp với các nhà tài trợ hoàn thiện Hồ sơ mời thầu các gói thầu còn lại. 

Như vậy hiện nay công việc phía trước cho dự án này còn ngổn ngang và chắc chắn thời gian hoàn thành dự án sẽ còn xa. Được biết, tổng mức đầu tư của dự án metro Bến Thành - Tham Lương đang được đề xuất điều chỉnh lên hơn 2,1 tỷ USD (tương đương 47.605 tỷ đồng, tăng khoảng 56,6% so với tổng mức đầu tư được duyệt năm 2010). 3 khoản chi phí tăng mạnh nhất tại dự án này là bồi thường giải phóng mặt bằng tăng từ 119,38 triệu USD lên 197,88 triệu USD; xây lắp và mua sắm từ 748,11 tỷ đồng lên 1.198 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng từ 263 triệu USD lên 368 triệu USD. 

Trong khi đó, tính đến hết tháng 2-2017, dự án mới giải ngân vỏn vẹn được gần 700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA giải ngân 572 tỷ đồng, bằng 3% khối lượng, trong khi công trình khởi động được 6 năm. Đại diện Ban QLĐSĐT TPHCM thừa nhận, công tác triển khai dự án đến nay đã chậm so với kế hoạch đề ra và cam kết với nhà tài trợ do quá trình điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh ranh dự án kéo dài; các gói thầu sử dụng nguồn vốn từ nhiều nhà tài trợ; hướng dẫn lựa chọn thầu của các nhà tài trợ và quy định trong nước có sự khác biệt; trình tự xin ý kiến không phản đối từ các nhà tài trợ mất nhiều thời gian. 

Metro số 2 vẫn còn xa ảnh 1 Tòa nhà điều hành - 1 trong 5 gói thầu chính của tuyến Metro số 2. 

Thời điểm có thể khai thác 
vào… 2024 

Theo một chuyên gia, mặc dù xuất hiện những nguyên nhân bất khả kháng, nhưng với việc để tổng mức đầu tư dự án phát sinh cả trăm triệu USD… chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm cho những yếu kém trong việc kiểm soát chi phí đầu tư công trình. 

Ngoài chi phí đầu tư bị đội lên rất mạnh, thời điểm khai thác tuyến metro đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sẽ lùi thêm ít nhất 6 năm nữa, tức vào năm 2024. Nhiều chuyên gia cho rằng UBND TPHCM cần rà soát tiến độ triển khai thực hiện từng gói thầu của dự án và có các giải pháp quản lý để tránh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, có thể làm tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, lãi vay, rủi ro tỷ giá và biến động giá xây dựng. 

Là tuyến metro quan trọng nhất của TPHCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương có điểm đầu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và điểm cuối ở Bến xe An Sương (quận 12), dự kiến có năng lực vận chuyển lên tới 481.700 người/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, với thực tế triển khai ì ạch như hiện nay, vẫn chưa biết khi nào tuyến metro quan trọng này mới có thể đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần giải bài toán ách tắc giao thông đô thị của TP.
 Dự án metro số 1 tiếp tục chậm tiến độ khi TPHCM chưa được bố trí vốn ODA cho dự án, dẫn đến TP nợ nhà thầu hơn 1.300 tỷ đồng và nguy cơ nhà thầu tạm dừng thi công dự án là rất lớn. Từ trước đến nay việc cấp phát vốn cho tuyến metro số 1 được thực hiện theo tiến độ dự án. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 việc cấp vốn cho dự án này đã thay đổi, tức việc cấp phát vốn đang được thực hiện theo kế hoạch ngân sách trung và dài hạn. Đơn cử năm 2017 dự án này cần hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 2.100 tỷ đồng. Kế hoạch vốn bị vỡ, tiến độ dự án bị chậm lại, vì số tiền này chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng ngân sách của TP. Hiện nay TPHCM đang kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư điều chỉnh lại việc cấp vốn ODA cho hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của dự án. Vì đây là dự án nằm trong kế hoạch dài hạn của Trung ương cũng như theo hiệp định vay đã ký kết. 
Dự án tuyến metro số 5 (giai đoạn 1) từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Bảy Hiền dài 8,9km, hiện đã bố trí đủ vốn với tổng mức đầu tư là 41.615 tỷ đồng từ vốn vay của Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Tái thiết Đức và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), đây là dự án quan trọng của quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án sẽ do Bộ Giao thông-Vận tải trình lên Chính phủ, sau đó Chính phủ trình lên Quốc hội. Do phải đợi Quốc hội thông qua nên dự án chưa thể làm các bước tiếp theo. Theo kế hoạch dự kiến của Ban QLĐSĐT TPHCM, việc chuẩn bị mặt bằng và đấu thầu sẽ diễn ra từ năm 2017, đầu năm 2018 sẽ tiến hành thi công, dự kiến tuyến số 5 giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2023. Và với tình hình thực tế như hiện nay thời gian thi công và hoàn thành chưa thể định đoạt

Các tin khác