Quảng Nam đến hẹn lại lên
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 5, nhiều hộ dân của xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) lại nơm nớp lo sạt lở. Ông Nguyễn Văn Long, người dân thôn Trung Phường, xã Duy Hải, cho biết, dường như năm nào biển cũng xâm thực vào làng hàng chục mét, tốc độ sạt lở nhanh đến mức nhiều hộ dân không dám xây nhà mới vì sợ nước biển cuốn trôi. Không chỉ thôn Trung Phường bị biển xâm thực đe dọa, người dân các thôn ven biển của xã Duy Hải như Thuận Trì, Tây Sơn Đông, Tây Sơn Tây… cũng sống trong nơm nớp.
Tương tự, tại khu vực Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành), trong vòng 5 năm trở lại đây, sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, một số hộ dân buộc phải di dời đến nơi khác để tránh sạt lở. Mặc dù, năm 2009, Sở NN-PTNT đã triển khai dự án kè chống sạt lở theo công nghệ kè mềm của Hà Lan nhưng nhanh chóng thất bại vì địa hình, dòng chảy, xói lở. Khu vực này luôn biến động mỗi năm mỗi khác.
TP Hội An hiện tại chỉ cố gắng xử lý những đoạn biển xâm thực trong dự án kè mềm nhằm giữ lại bờ biển.
Sạt lở dai dẳng nhất phải kể đến là bờ biển Hội An, đoạn từ bãi tắm Cửa Đại đến Hoi An Silk Beach Club, dường như năm nào cũng bị biển ngoạm sâu vào đất liền. Dù đã được kè chắn bằng những bao tải địa kỹ thuật làm đê ngăn sóng nhưng nước vẫn khoét sâu vào bờ tạo thành những vũng lõm đe dọa hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân. Theo ông Lê Văn Hùng, nhà hàng Khải, từ khi biển gây sạt lở, hoạt động kinh doanh buôn bán của các nhà hàng nơi đây bị trì trệ, khách sụt giảm nghiêm trọng. Các chủ nhà hàng thực hiện nhiều biện pháp nhưng không thể chống chọi nổi.
Gần 10 năm, cứ đến mùa mưa bão, biển lại xâm thực sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều công trình ra biển, hàng chục tỷ đồng đầu tư vào việc kè chắn dường như vẫn không bảo vệ được bờ biển mỗi khi đến mùa mưa bão. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, thành phố đã bất lực trước sóng biển, bây giờ chỉ cố gắng xử lý những đoạn biển xâm thực trong dự án kè mềm đã triển khai trước đây nhằm chèn giữ lại bờ biển, được chừng nào hay chừng đấy. Còn giải pháp lâu dài phải chờ tỉnh, nhưng cũng không biết chắc khi nào dự án tổng thể được triển khai.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, bờ biển Quảng Nam hiện tại không chỉ bị sạt lở mà còn đối diện nguy cơ như ô nhiễm rác thải, cần phải có cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ. Bởi, đới bờ và các khu vực ven biển có mối liên quan mật thiết nên áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ mới có thể nhận diện các thách thức, nguyên nhân gây biến động để có những giải pháp khoa học, bài bản, tương hỗ cho nhau. Riêng với giải pháp kè chắn sạt lở, ông Lê Trí Thanh cho biết, hiện Quốc hội đã thông qua khoản kinh phí 300 tỷ đồng, cộng với 40 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Nam khắc phục sạt lở bờ biển Cửa Đại trước đây, địa phương sẽ triển khai phương án xây dựng kè theo hướng ổn định lâu dài, cố gắng hoàn chỉnh thủ tục để kịp triển khai cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Sạt lở đe dọa quốc lộ 1A
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ khiến nhiều kilômét bờ biển ở xã Kỳ Nam, xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân. Tình trạng này vẫn tiếp diễn và trực tiếp đe dọa gây sạt lở quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dọc bờ biển từ cửa sông Xích Mộ, thôn Minh Đức đến thôn Quý Huệ với chiều dài nhiều kilomét đã bị sạt lở khoét sâu vào trong làng mạc. Nhiều rừng cây phi lao và diện tích đất bị nước biển cuốn trôi, tan hoang. Tại thôn Quý Huệ, nước biển đã xâm lấn sâu vào gần dưới chân quốc lộ 1A và đang đe dọa nguy cơ bị sạt lở. Cạnh đó hàng chục mét đường bê tông nối từ quốc lộ 1A ra biển đã bị sóng biển đánh tan hoang.
Ông Nguyễn Đình Vin, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam, cho biết, sạt lở bờ biển đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân ở địa phương, đặc biệt là tại thôn Quý Huệ và thôn Minh Đức (khoảng 400 hộ dân, 950 nhân khẩu). Tình trạng sạt lở diễn ra từ năm 2017 đến nay, kéo dài hơn 2km, trong đó báo động nhất là sạt lở đã quá gần dưới chân quốc lộ 1A mà chưa có phương án xử lý.
Theo người dân, nơi đây từng là cồn cát cao 2 - 3m, kéo dài nhiều kilômét, rộng hàng trăm mét và có rừng cây phi lao phòng hộ chắn sóng. Nhưng hiện nay rừng phi lao và các cồn cát bị sóng biển đánh sạt lở, xóa sổ, nước biển xâm thực sâu vào ruộng đồng. Nhiều khu vực dân cư, đất sản xuất nông nghiệp bị cát vùi lấp, nhiễm mặn, cây trồng không phát triển được khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp khó khăn, đảo lộn.
Mặc dù đã nhiều lần trồng cây xanh chắn sóng, tuy nhiên mỗi khi có bão lũ là sóng biển lại đánh đổ rạp, cuốn trôi hết. UBND xã Kỳ Ninh cho biết, sạt lở bờ biển không chỉ làm mất nhiều đất sản xuất, đe dọa cuộc sống và tâm lý của người dân mà cát trôi đã gây bồi lắng, cạn luồng lạch cửa biển khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn, ảnh hưởng hoạt động đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Xã mong muốn xây dựng bờ kè, đê biển kiên cố chắn sóng nhưng kinh phí quá lớn, xã không thể đáp ứng được. Hiện xã đã thống kê, lên phương án di dời các hộ dân bị đe dọa sạt lở cấp bách và kiến nghị lên cấp trên để xin kinh phí, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường ven biển Bình Thuận Khoảng 1 giờ sáng 6-11, cơn mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở và làm hư hỏng nghiêm trọng tuyến đường ven biển DT 719 (đường Lạc Long Quân, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). May mắn vụ việc xảy ra vào ban đêm, ít người qua lại nên không có thương vong về người nhưng đã khiến giao thông trên đoạn đường này bị ách tắc trong nhiều giờ liền. Theo ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do mưa lớn, lượng nước và cát đỏ rất lớn từ dự án du lịch Delta - Valley Bình Thuận tràn xuống đường gây ra sạt lở. Vị trí tuyến đường bị sạt lở nằm tại Km8+700. Tại hiện trường, toàn bộ phần mặt đường bị sụp xuống kéo dài hơn 10m. Bên cạnh đó, do lượng nước và cát đỏ quá lớn đổ tràn xuống đường đã tạo một hố sâu và đường rãnh lớn kéo dài từ khu hồ chứa ra bờ biển. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và chủ dự án du lịch đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục sự cố. UBND xã Tiến Thành cũng đã khẩn trương di dời các hộ dân sống xung quanh khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, cho biết đến khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, chủ đầu tư dự án đã cho phương tiện lấp đất, lèn lại khu vực bị sạt lở nên giao thông trên tuyến đường này đã cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, do lượng cát tràn xuống đường quá lớn nên sẽ phải mất nhiều thời gian để khắc phục như hiện trạng ban đầu. NGUYỄN TIẾN |