8 tháng thần tốc
Ngày 14-4-2023, CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM chính thức đưa hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam (thương hiệu Xanh SM) đi vào hoạt động, sau 1 tháng chạy thử tại Hà Nội. Đến nay sau hơn 8 tháng có mặt trên thị trường, Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện. Đặc biệt chỉ sau 5 tháng ra mắt, taxi Xanh SM đã đón khách hàng thứ 6 triệu.
Không chỉ dừng ở mảng taxi điện, trong 8 tháng qua GSM còn nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái của mình, với các dịch vụ như giao hàng nhanh bằng xe điện Vinfast; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện Xanh SM bike; dịch vụ thuê ô tô điện tự lái… Chỉ tính riêng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện sau hơn 1 tháng ra mắt đã cán mốc 1 triệu khách.
Tại Hà Nội và TPHCM lực lượng xe máy điện Xanh SM bike đang ngày càng đông. Chưa dừng lại, đầu tháng 11-2023, GSM đã khai trương dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Lào với thương hiệu Xanh SM. Đây là thị trường nước ngoài đầu tiên, khởi động chiến lược Go Green Global, với lộ trình trở thành nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển thuần điện quốc tế của GSM.
Điều gì khiến Xanh SM có thể phát triển thần tốc và phục vụ nhiều khách hàng như vậy chỉ trong thời gian ngắn. Trên trang facebook cá nhân của chị T.L Ngọc Diệp (chủ thương hiệu mỹ phẩm Lá House) tháng 11-2023 có bài viết: “Nghe đã lâu nay mới có dịp đi thử taxi điện của Vin - taxi Xanh. Ngắn gọn là tốt. Xe rộng, mới, êm, tài xế lịch sự và nhiệt tình giúp khiêng phụ hành lý, còn chủ động gợi ý chở xuống tận hầm xe, thang máy để tiện lên nhà. Mình quyết định tải app và sẽ chọn taxi này thay vì lâu nay vẫn đi Grab”.
Dưới bài viết có không ít bình luận khen ngợi chất lượng xe và dịch vụ của Xanh SM. Thực tế, ngay từ thời điểm taxi Xanh SM bắt đầu lăn bánh phục vụ khách, đã có khá nhiều lời khen dành cho hãng này, nhất là về thái độ phục vụ của lái xe.
Với lợi thế xe sạch, không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, đặc biệt sự nhiệt tình của tài xế, Xanh SM đang nhận được sự đánh giá tích cực của người dùng.
Còn với đội ngũ lái xe, điều gì khiến lực lượng lớn người lao động liên tục đầu quân cho GSM? Theo tìm hiểu của ĐTTC, để nhận xe ô tô chạy, tài xế chỉ cần đóng cọc phụ phí trách nhiệm 8 triệu đồng và khoản này sẽ được trả lại khi chấm dứt hợp đồng lao động với GSM.
So với các hãng khác như Grab, tài xế không phải đối diện với áp lực trả góp hàng tháng khi mua xe chạy. Ngoài ra, tài xế còn có lương cứng, hoa hồng… Còn với xe máy điện chỉ cần đóng cọc 1 triệu là có thể nhận xe, chiết khấu cũng chỉ 15,5%/cuốc rẻ hơn mức 25% của một số hãng khác trên thị trường. Xe không cần đầu tư mua, chiết khấu rẻ lại thêm nhiều chương trình thưởng đang là những chính sách cực kỳ hấp dẫn người lao động.
Thị phần sẽ phải chia lại?
Grab bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ tháng 2-2014, với dịch vụ ban đầu là kết nối với các hãng taxi. Tháng 10 năm đó, nền tảng tiếp tục cho ra mắt dịch vụ xe 2 bánh GrabBike. Đến năm 2015, Grab và đối thủ lúc bấy giờ là Uber mới có thể triển khai dịch vụ xe hợp đồng 4 bánh riêng, nhờ hành lang pháp lý từ Đề án 24. Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự bùng nổ cuộc đua thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Trong cuộc đua giữa 2 ông lớn là Grab và Uber lúc bấy giờ, do không chịu được sức ép Uber đã phải nói lời chia tay thị trường Việt Nam. Song sự chia tay của Uber lại mang đến nhiều hy vọng cho những tay chơi mới về khả năng chiếm lĩnh thị trường béo bở này. Rất nhiều cái tên trong và ngoài nước lần lượt nhảy vào sân chơi, các hãng taxi truyền thống cũng phải nhanh chóng chuyển mình.
Theo thống kê, với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2021, thị trường gọi xe công nghệ có mức tăng trưởng cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thương mại điện tử bán lẻ.
Thế nhưng dù vẫn đang không ngừng mở rộng với doanh thu lên tới 3 tỷ USD vào năm 2022, thị trường nội vẫn nằm trong tay ông lớn ngoại là Grab. Theo một báo cáo thống kê mới đây, thị phần ngành gọi xe công nghệ Grab chiếm phần lớn với 56%. Hai cái tên theo sau là Mai Linh 11% và Be 8%. Như vậy vẫn chưa có đối thủ nào đủ lớn để đối trọng với Grab trong cuộc đua này.
Câu hỏi được quan tâm, liệu GSM có vẽ lại bản đồ thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam và giành lấy thị phần từ tay các đối thủ, trong đó lớn nhất là Grab hay không?
Câu trả lời chắc chắn cần thêm thời gian vì GSM còn quá mới, trong khi đối thủ lớn lại có thâm niên hàng chục năm ở thị trường. Song như đã phân tích, GSM hiện đang sở hữu nhiều lợi thế như hệ thống xe mới sẽ mang đến trải nghiệm thoải mái hơn cho khách hàng so với những xe cũ của không ít hãng.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng của tài xế GSM cũng nhận được nhiều lời khen. Không chỉ taxi, dịch vụ xe máy điện cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Cùng với đó chính sách cho các tài xế taxi và xe máy hiện cũng rất tốt. Quan trọng hơn GSM ra đời đúng thời điểm xe điện đang nở rộ trong ngành xe dịch vụ ở cả trong nước và khu vực. GSM cũng hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ rất nhanh.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM khẳng định, Xanh SM sở hữu các yếu tố đủ để chiếm cảm tình của khách hàng, đặc biệt là lợi thế xe không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, không khói bụi, tốt cho sức khỏe của khách hàng và tài xế, đồng thời bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ là yếu tố được Xanh SM đặt lên hàng đầu.
Cũng theo ông Thanh: "Xanh SM là tân binh ở cả thị trường Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đi sau nhưng đang đi nhanh hơn các hãng taxi khác trên thị trường và bước đầu gặt hái thành quả, bằng chứng là sự đón nhận tích cực của người dùng".