Sáng lập nên các cheabol (tập đoàn) ở Hàn Quốc là những người đầy tham vọng. Thử nhìn vào các tên gọi mà họ chọn đặt cho các tập đoàn của mình: Deawoo (Đại Vũ), Hyundai (Tân Thời) và Samsung (Tam Tinh), ngụ ý công việc kinh doanh sẽ khuếch trương và trường tồn. Trong đó nổi lên Samsung với những thành công ngoạn mục. Nhưng chiến lược của Samsung không dễ bị bắt chước.
Những canh bạc lớn
Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ sản xuất mì sợi vào năm 1938, Samsung giờ đây đã phát triển thành một hệ thống gồm 83 công ty, chiếm 13% lượng xuất khẩu của Hàn Quốc. “Quả ớt cay nhất trong chén kim chi Samsung” là Công ty Samsung Electronics (SEC), một công ty kỹ thuật lớn nhất thế giới xét về lượng sản phẩm bán ra.
SEC xuất xưởng nhiều tivi hơn bất kỳ một công ty nào khác, hiện đang tiến tới soán ngôi Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Samsung Electronics sản xuất nhiều tivi hơn bất kỳ một công ty nào khác. |
Samsung vươn ra nhiều lĩnh vực công nghiệp không có mối liên hệ nào với nhau, từ lĩnh vực vi mạch tới bảo hiểm. Samsung quản lý theo dạng gia đình và có thứ bậc, coi trọng thị phần hơn lợi nhuận và có cấu trúc sở hữu không rõ ràng, dễ gây lẫn lộn. Tuy nhiên Samsung vẫn có sức sáng tạo đáng kể, ít nhất là trong việc cải thiện lợi nhuận đối với ý tưởng của những người khác: bắt chước Tập đoàn IBM của Hoa Kỳ và Sony của Nhật Bản.
Thậm chí Samsung còn cử người sang học hỏi cách điều hành hiệu quả của Chính phủ Singapore. Chỉ trong thời gian ngắn, với nhiều chuyên viên quản lý giỏi, Samsung đã vượt qua những công ty trên và đang trở thành một phiên bản châu Á mới của General Electronic (GE) - tập đoàn điện tử nổi tiếng Hoa Kỳ.
Để có được thành quả trên, Samsung đã tỏ ra kiên nhẫn. Theo đó, các nhà quản lý của Samsung quan tâm đến tăng trưởng lâu dài hơn là lợi nhuận trước mắt. Bên cạnh đó, Samsung luôn tìm ra được nhiều thị trường tiềm năng và sẵn sàng đặt cược lớn vào những thị trường đó.
Việc Samsung Electronics đặt cược vào thị trường vi mạch DRAM, màn hình tinh thể lỏng và điện thoại di động đã mang lại nhiều thành công đáng kể. Trong 10 năm tới, Samsung cũng có kế hoạch cho một canh bạc nữa, đó là đầu tư một khoản khổng lồ 20 tỷ USD vào 5 lĩnh vực mà Samsung chỉ là tân binh: pin mặt trời, công nghệ chiếu sáng tiết kiệm năng lượng LED, thiết bị y tế, dược phẩm sinh học và pin cho xe hơi điện.
Mặc dù các công nghệ này có vẻ như hoàn toàn khác nhau, nhưng Samsung cược rằng chúng vẫn có 2 điểm chung cốt yếu: sẽ phát triển nhanh chóng nhờ vào luật bảo vệ môi trường mới (năng lượng mặt trời, đèn LED và xe hơi điện) và nhu cầu bùng nổ trong các thị trường mới nổi (thiết bị y khoa và dược phẩm). Samsung mạnh dạn tiên đoán rằng tới năm 2020 sẽ đạt doanh số 50 tỷ USD trong các lĩnh vực mới nổi này và tổng doanh số toàn cầu của Samsung sẽ là 400 tỷ USD.
Công ty gia đình được quản lý tốt
Những ông lớn trong ngành công nghiệp Hàn Quốc từng thịnh vượng một phần nhờ vào các mối quan hệ mật thiết với một chính phủ độc tài. Các ngân hàng bị buộc phải bơm vốn tín dụng lãi suất thấp cho các chaebol và các chaebol này được khuyến khích tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, đặc biệt những ngành khuôn mẫu đặc trưng như đóng tàu và công nghiệp nặng.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng của Hàn Quốc không quá phụ thuộc vào chính sách kinh tế chỉ huy. Bên cạnh đó hệ thống chaebol không mang lại nhiều lợi nhuận cho Hàn Quốc như nhiều người lầm tưởng khi nhìn thấy Samsung thành công. Một vài khoản tín dụng lãi suất thấp do Chính phủ chỉ đạo, nhằm tăng quyền lực cho các chaebol, đã tạo ra nhiều siêu tập đoàn như Samsung Electronics hay Hyundai Motors.
Tuy nhiên chúng đã dẫn đến nhiều thất bại cay đắng. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 1997-1998, phân nửa chaebol nằm trong top 30 đã bị phá sản, trong đó có Daewoo. Và trong bối cảnh nhiều chaebol trở thành “siêu” vay nợ, Samsung Electronics dùng nguồn tiền mặt khổng lồ của mình để đầu tư mở rộng các dự án.
Có được những thành công vang dội, ngoài sự kiên nhẫn và táo bạo - vì gia đình của Lee Byung-chull, nhà sáng lập đã khuất của Samsung, muốn như vậy - phương thức điều khiển gia đình của Samsung được đảm bảo bởi một mạng lưới phức tạp lưu giữ các cổ phần chéo.
Phương thức này khá ổn nhờ hãng có một lãnh đạo tài năng như cố Chủ tịch Lee hay con trai của ông, Lee Kun-hee, Chủ tịch hiện tại của Samsung. Trong phạm vi đó, với tất cả các công nghệ hiện đại của mình, câu chuyện Samsung là một câu chuyện cũ được viết lại: Một công ty gia đình được quản lý tốt, với sự mở mang mạnh mẽ và tập trung cho phát triển lâu dài, được lợi từ một chính thể bao dung. Hãy tôn vinh Samsung trên những nền tảng đó và mô hình mới của châu Á này cũng có gì đó để học tập, dù thành công toàn diện của Samsung không dễ bắt chước.
Tuy nhiên cũng đừng quá kỳ vọng vào việc Samsung sẽ trụ vững ở đỉnh cao mãi mãi. Bởi lẽ dù là một tập đoàn đáng khâm phục, trong đó có nhiều cá nhân thành công đến mức các nhà quản lý (không chỉ riêng ở châu Á) nên học hỏi, nhưng chắc chắn không phải lúc nào Samsung cũng đi đúng hướng.