Trước những biến động khó lường của dịch bệnh và cả thị trường hàng không, các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch theo kịch bản thị trường quốc tế khác nhau, tùy theo mức độ mở “cánh cửa bầu trời”.
Bay quốc tế đem lại 65% doanh thu
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2022, thị trường hàng không quốc tế có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Australia, Đức, Pháp, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ...; trong đó các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Vì vjay, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đánh giá sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng.
Hơn nữa, ông Hà cũng nhấn mạnh nối lại bay quốc tế còn giúp tận dụng tối ưu đội tàu bay của Vietnam Airlines, hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam với hơn 100 chiếc đa chủng loại, từ tàu thân hẹp bay tầm trung, ngắn như Airbus A321neo đến tàu thân rộng, hiện đại, bay tầm xa như Boeing 787, Airbus A350.
Thực tế, sáu tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia, Ấn Độ. Hãng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép.
Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.
Đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.
“Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới,” ông Hà cho hay.
Trong khi đó, những ngày đầu tháng Bảy này, Vietjet Air cũng chính thức mở thêm hai đường bay thẳng từ Hà Nội-đến Nagoya và Fukuoka (Nhật Bản) và Hà Nội-Busan (Hàn Quốc) nhằm mang đến thêm nhiều lựa chọn thuận tiện, dễ dàng cho người dân và du khách đi du lịch, công tác, thăm thân hay học tập.
Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7/2022.
Các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó
Mặc dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tiến hành tiêm chủng vaccine với tỷ lệ khá cao, tuy nhiên, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines bày tỏ lo ngại diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp sau khi xuất hiện nhiều biến thể virus, hiệu quả của vaccine suy giảm nhanh, các nước đang thực hiện một cách thận trọng mở cửa đón khách nhập cảnh theo từng bước.
Vì vậy, ông Hà dự báo đối tượng khách chủ yếu vẫn là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương … trong khi đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (vốn chiếm tới 90% nhu cầu) chưa thể phục hồi như trước dịch. Do hoạt động khai thác thường lệ hạn chế, dự kiến hoạt động khai thác hàng hóa vẫn đóng vai trò quan trọng.
Trước những biến động khó lường của dịch bệnh và cả thị trường hàng không, để sẵn sàng, chủ động trong công tác quản trị điều hành, Vietnam Airlines dự kiến xây dựng kế hoạch theo kịch bản thị trường quốc tế khác nhau, tùy theo mức độ mở cửa biên giới và sự nới lỏng các chính sách về xuất nhập cảnh, cách ly.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng bày tỏ sự lo lắng khi việc khôi phục đường bay quốc tế tại các thị trường trọng điểm hiện vẫn gặp khó.
Cụ thể, thị trường số một của hàng không Việt Nam là Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp. Thị trường Trung Quốc hiện chỉ được tăng thêm một chuyến/tuần, lên 2 chuyến/tuần do duy trì chính sách Zero COVID-19. Các thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản đang trong quá trình từng bước mở cửa.
“Mục tiêu đặt ra trong sáu tháng cuối năm là khôi phục tối đa các đường bay đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và tăng đường bay sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19,” ông Thắng chia sẻ.
Tại báo cáo mới nhất, Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch COVID-19. Đối với hoạt động vận tải hàng không quốc tế, mức độ hồi phục sẽ chậm hơn so với nội địa, chủ yếu phụ thuộc vào việc nới lỏng dần hoặc xóa bỏ các hạn chế đi lại ở nhiều thị trường.
IATA cũng dự báo với thị trường quan trọng là Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nên khả năng châu Á-Thái Bình Dương sẽ là khu vực chậm chân trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.