Ngày 1-10, Cục Hàng không có văn bản gửi 19 tỉnh, thành gồm TPHCM; Đà Nẵng; Lâm Đồng; Hải Phòng; Thanh Hóa; Cần Thơ; Nghệ An; Đắk Lắk; Khánh Hòa; Điện Biên; Thừa Thiên - Huế; Kiên Giang; Gia Lai; Phú Yên; Bình Định; Quảng Nam; Bà Rịa - Vũng Tàu; Quảng Bình và Quảng Ninh, để xin ý kiến về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ từ ngày 5-10.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có Phú Yên, Điện Biên đồng ý mở lại tuyến bay nội địa giai đoạn 1. Hầu hết các địa phương còn lại đều từ chối để nghị của Cục Hàng không bao gồm cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Tỉnh không phải vương quốc
“Tôi cho rằng với tư cách là cơ quan của Chính phủ, Bộ GTVT phải có văn bản yêu cầu mở lại các tuyến bay nội địa, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp hàng không để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chứ không phải xin ý kiến tỉnh nào thích thì cho. Tỉnh không có quyền đó, tỉnh không phải là vương quốc.
Mình là cơ quan cấp Cục lại đi xin ý kiến của địa phương, địa phương không cho cũng không giải thích, tôi cho đó là vô trách nhiệm với đất nước, với người dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Phải yêu cầu tỉnh giải thích về điều đó chứ không phải ông thích cho là cho. Tỉnh đó là của người dân, của đất nước này, các ông chỉ nhân danh để quản lý thôi, còn nếu không quản lý được thì để người khác”.
Điều đó cho thấy các thế hệ lãnh đạo các tỉnh không có sự trao quyền, trách nhiệm. Được lợi thì anh vỗ tay, đến bay giờ hàng không cần phục hồi thì từ chối. Trên thực tế, các tỉnh trước đây đều hưởng lợi từ hàng không và có rất nhiều tỉnh đang muốn mở lại hàng không.
Hiện tại, đã đến lúc mở lại đường bay, không thể sử dụng biện pháp phòng thân rồi cấm tất cả. Quan trọng nhất ở đây là có thực hiện các biện pháp hay không?
“Anh làm động tác ngăn sông cấm chợ, cản trở sự hoạt động trong điều kiện bình thường mới thì phải kỷ luật mới đúng”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm đến lúc phải mở cửa hàng không, đặc biệt là nối lại đường bay “vàng” Hà Nội - TPHCM. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương khẳng định: “Điều này là hết sức cần thiết cho sự phục hồi của nền kinh tế mà trước mắt là ngành du lịch”.
“Hoàn toàn có thể mở cửa giao thông hàng không, đường sắt song song với thực hiện các biện pháp chống lây lan dịch bệnh, ví dụ như giảm số chuyến kết hợp kiểm soát “thẻ xanh Covid”, xét nghiệm, test nhanh... mà vẫn đảm bảo sự lưu thông người và hàng hoá”, ông Tống khẳng định.
Cần sự gắn kết, đồng bộ
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo từ ngày 1/10 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, thích ứng linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, theo ông Hòa, nếu mỗi địa phương áp dụng một quy định riêng thì việc mở cửa lại kinh tế sẽ khó đạt được hiệu quả.
Vì thế cho nên tạo ra sự thống nhất lưu thông hàng hoá, hành khách giữa các địa phương với nhau là một yêu cầu. Chính phủ giao cho địa phương vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nhưng giờ trong điều kiện bình thường mới rồi, phải chủ động linh hoạt tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.
“Quan trọng là, Chính phủ và Bộ Y tế phải có các tiêu chuẩn chung về nguyên tắc lưu thông hàng hoá, hành khách giữa các địa phương. Với hành khách, nếu anh đã tiêm chủng 1 – 2 mũi thì được quyền lưu thông giữa địa phương này và địa phương kia.
Bây giờ mà người địa phương này không lưu thông được với địa phương kia thì chịu chết. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hoạt động gì được. Đầu tư cũng kém hơn. Đó là phải cho phép, phải cho lưu thông, hàng không, đường sắt... đều phải trở lại hoạt động bình thường”, ông Thịnh nói.
Chính phủ và Bộ Y tế phải xác định điều kiện thế nào thì người dân được di chuyển từ địa phương này sang địa phương kia, để hàng không được hoạt động trở lại.
“Khi có tiêu chí cụ thể rồi cứ thế thực hiện, trao cho địa phương quyền tự chủ phòng chống dịch, quyền mở cửa kinh tế nhưng phải dựa trên cơ sở bộ tiêu chí do Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra cũng như các tiêu chuẩn an toàn phát triển kinh tế xã hội. Các tỉnh theo đó mà làm, làm trái thì không được, phải xử lý…”, ông Thịnh bày tỏ.