PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, các tiêu chí về y tế trong kiểm soát dịch Covid-19 hiện đang áp dụng tại TPHCM nên có sự điều chỉnh thế nào cho phù hợp với tình hình mới?
Bà PHẠM CHI LAN: - Tôi cho rằng phạm vi phong tỏa hiện nay của TPHCM đang quá rộng, có những tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra nặng nề và khắc nghiệt, chưa tính tới các yếu tố đặc thù của địa phương. Thí dụ, chia nhỏ các cụm dân cư để đưa ra các quyết định khác nhau với mỗi cụm.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh không thể chỉ vì nhóm nhỏ F0 mà phong tỏa tất cả phường, quận, TP. TPHCM là địa phương rộng lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác, dân số cũng đông, nhưng nếu vẫn áp dụng tiêu chí cứng chung chung, gây nên những hệ lụy cho tiến trình nối lại các hoạt động kinh tế.
Vì thế, cần có cơ chế đặc biệt để TPHCM tự quyết định và chủ động hơn trong giai đoạn hiện nay khi chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch, cũng như kể cả giai đoạn sau này khi địa phương vẫn còn xuất hiện các ổ dịch đơn lẻ. Với tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra xây theo mô hình tháp 3 tầng tại các cơ sở điều trị đặt ra quá cao, có thể nói chưa thể thực hiện ở TPHCM ngay lập tức được.
Bên cạnh đó, cần xem lại tiêu chí về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Thời gian qua, nguồn vaccine nhập về được tập trung ưu tiên cho Hà Nội và TPHCM. Dù vậy yêu cầu tỷ lệ phần trăm bao phủ vaccine cao Bộ Y tế đưa ra (ít nhất 80% người dân trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine) cần được xem xét kỹ lưỡng. Vì thực tế TPHCM hiện mới chủ yếu là tiêm mũi 1, còn mũi 2 chưa có đủ vaccine.
Vấn đề phòng dịch đang áp dụng cho TPHCM theo tiêu chí phân bố dân cư cũng chưa phù hợp. Tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra tính số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi tuần trên 100.000 dân, để từ đó có biện pháp giãn cách, là chưa sát thực tế.
Vì 100.000 dân này có sự phân bố mỗi khu vực, mỗi vùng khác nhau, nên khoảng cách dân cư của người ở chung cư, khu phố, khu biệt thự… khác nhau, họ có thể đảm bảo được việc giữ mức độ khoảng cách nhất định để phòng chống dịch.
Những tiêu chí đưa ra cứng nhắc, không sát với thực tế, khi triển khai thực hiện không khả thi. Những tiêu chí cứng này đã làm khó TPHCM. Và ngay cả khi áp dụng đúng theo tiêu chí của Bộ Y tế dịch vẫn bùng phát, vẫn lây lan nhanh.
Đó là khi những khu vực cần khoanh vùng, cần giãn cách biện pháp lại chưa siết chặt, trong khi lại kiểm soát chặt các vùng đang an toàn, theo phương pháp cào bằng.
Hiện nay, cần tạo cho TPHCM cơ chế linh hoạt để TP tự chủ động điều chỉnh, ứng phó, cân đối giữa phòng chống dịch với mở cửa phát triển kinh tế. Bộ Y tế vẫn đang lấy ý kiến đóng góp để điều chỉnh, nhưng tôi cho rằng cần lắng nghe để tránh lặp lại sai lầm như vừa qua.
Nếu chỉ thiết kế bộ tiêu chí chung chung rồi áp cho địa phương bắt làm theo thì dễ, có khi thiết kế đó lại trái ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cố gắng khoanh vùng hẹp và áp dụng vào những nơi có nguy cơ cao thay vì khoanh vùng cho tất cả.
- Thưa bà, sự mở cửa và phục hồi kinh tế của TPHCM có ý nghĩa thế nào đối với cả vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, thưa bà?
- TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương, cũng như dẫn đầu về nhiều lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư quốc tế…
Bản thân sự phát triển kinh tế TPHCM còn có ý nghĩa là động lực vùng kinh tế Đông Nam bộ, nên vai trò TP rất lớn. Việc mở cửa lại hoạt động kinh tế của TPHCM sẽ là yếu tố quyết định đến sự hồi sinh kinh tế của vùng, giúp hoạt động kinh tế của các tỉnh thành trong vùng được đầy đủ hơn.
Những tỉnh thành của Đông Nam bộ nếu có mở cửa trong khi TPHCM vẫn chưa mở, cũng rất khó hoạt động lại bình thường, khi TPHCM vừa là trung tâm, vừa là cửa ngõ, vừa là thị trường rộng lớn của cả vùng.
Hiện chính quyền TPHCM cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn tại TP đều đã “ngấm đòn” vì Covid-19, đang rất mệt mỏi nên chắc chắn không ai có tư tưởng coi thường, lơ là công tác phòng chống dịch Covid-19. TPHCM cũng “thấm đòn” do giãn cách xã hội kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Thực tế, nhiều DN “chết” không phải vì dịch Covid-19 mà do chính các biện pháp phong tỏa quá mức cần thiết. Vì thế, Chính phủ hãy cho TPHCM được chủ động mở cửa kinh tế với mức độ tối đa có thể, mà theo TP là ngưỡng có thể tính toán kiểm soát được dịch.
- Sự phục hồi của kinh tế TPHCM quyết định như thế nào đối với tăng trưởng GDP chung của cả nước trong năm nay, khi các báo cáo kinh tế cho thấy áp lực tăng trưởng đang đổ dồn vào quý IV-20201?
Cần tạo cho TPHCM cơ chế linh hoạt để TP tự chủ động điều chỉnh, ứng phó, cân đối giữa phòng chống dịch với mở cửa phát triển kinh tế. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương. Bản thân sự phát triển kinh tế TPHCM còn có ý nghĩa là động lực vùng kinh tế Đông Nam bộ, nên vai trò TP rất lớn. |
TPHCM là trọng điểm kinh tế, do đó sẽ ảnh hưởng đến GDP chung của cả nước. Với tốc độ mở cửa chậm chạp như hiện nay của TP và cả nước, tôi cho rằng kinh tế khó có thể phục hồi được nhanh. Ngay cả khi mở cửa trong đầu quý IV, bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội, doanh nghiệp cũng phải mất thời gian rất dài để phục hồi sản xuất.
Kinh nghiệm thực tế của các nước cho thấy, khi đóng cửa kinh tế từ 1-3 tháng doanh nghiệp sẽ mất 5-6 tháng mới phục hồi được sản xuất. Sự phục hồi của doanh nghiệp cũng theo từng bước, không thể nhanh chóng được. Bởi nó còn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có lao động, vốn, đặc biệt là chuỗi cung ứng.
Thời gian qua, vấn đề khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là sự đứt gẫy chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp khâu này hoạt động trở lại nhưng doanh nghiệp khâu khác trong chuỗi chưa tái hoạt động, cả khối doanh nghiệp trong chuỗi cũng khó hoạt động trở lại.
- Một trong những lo lắng của doanh nghiệp tại TPHCM là thiếu hụt lao động khi mở cửa sản xuất trở lại. Ý kiến của bà về vấn đề này?
- Tôi cho rằng việc lao động quay trở lại làm việc là cần thiết và sẽ diễn ra nhanh, các doanh nghiệp không cần lo lắng quá. Vì sau quá trình nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, người lao động mong muốn được trở lại làm việc để có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Vấn đề là Chính phủ và các địa phương, đặc biệt là TPHCM cần có giải pháp hỗ trợ người lao động sau đại dịch để họ yên tâm làm việc. Giải pháp phải mang tính lâu dài, căn cơ, không chỉ là những giải pháp trước mắt có tính tình thế như vừa qua.
Những cái gì có thể linh hoạt làm được TPHCM nên triển khai làm ngay, những gì liên quan đến chính sách, pháp luật, như đất đai, nhà ở TP có thể kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Đơn cử, chính sách nhà ở đối với người lao động có thu nhập thấp, hay nhà ở cho công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp ở TPHCM hiện nay rất quan trọng. Chúng ta có thể khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở, chung cư cho công nhân với ưu tiên miễn thuế đất cho họ.
Đổi lại, khi doanh nghiệp sản xuất ổn định, công nhân có đời sống ổn định họ lại là đối tượng nộp thuế cho ngân sách, là nguồn thu lâu dài. Đây là chính sách tổng thể, lâu dài, có tính căn cơ chúng ta cần phải tính đến, nên xây dựng hành lang pháp lý và để doanh nghiệp thực hiện càng sớm càng tốt.
- Xin cảm ơn bà.
Với tốc độ mở cửa chậm chạp như hiện nay của TP và cả nước, tôi cho rằng kinh tế khó có thể phục hồi được nhanh. Ngay cả khi mở cửa trong đầu quý IV, bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội, doanh nghiệp cũng phải mất thời gian rất dài để phục hồi sản xuất. Bởi nó còn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có lao động, vốn, đặc biệt là chuỗi cung ứng. |