
Kỷ lục thời gian
Sáng 17-6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế VAT từ 1-7 đến 31-12-2026. Theo đó, Quốc hội quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%.
Các hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Chia sẻ với ĐTTC về chính sách giảm 2% thuế VAT, dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chị Nguyễn Thu Hương (TPHCM) cho biết, nếu như tính trên từng sản phẩm thì không cảm nhận được bao nhiêu, nhưng với thói quen đi siêu thị một đến hai tuần/lần, mua nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của cả gia đình như chị, thì cảm nhận được rất rõ.
Theo chị Hương, trong bối cảnh thu nhập đang giảm, nhiều người có xu hướng thắt chặt chi tiêu như hiện nay, thì bớt được đồng nào hay đồng đó. “Cùng với việc các nhãn hàng gia tăng khuyến mại, giảm giá sản phẩm, giảm thuế VAT sẽ là liều thuốc cộng thêm để người tiêu dùng như chúng tôi có thể mua thêm hàng hóa cần thiết” - chị Hương bày tỏ.
Cũng chung suy nghĩ tích cực khi chính sách giảm 2% thuế VAT được kéo dài, anh Hải Hưng, một shipper lại khá quan tâm đến mặt hàng xăng. Theo anh Hưng, việc phải di chuyển mỗi ngày vài chục thậm chí có ngày lên tới cả trăm km, việc được giảm thuế VAT cũng khá đáng kể nếu tính chi phí theo tuần, tháng, thậm chí theo năm. Bởi với mặt hàng xăng dầu, khi giảm 2% thuế VAT sẽ có tác động mạnh trong việc kéo giảm giá hàng hóa.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội DN TPHCM, chính sách giảm 2% thuế VAT lần này là sự tiếp nối của chính sách kéo dài mấy năm qua, nhưng có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên thời gian giảm thuế được kéo dài 18 tháng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN, giúp họ chủ động hơn trong tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Về nguyên tắc, VAT là thuế gián thu đánh vào tiêu dùng, khi VAT giảm sẽ kích thích sức mua. Nhưng ngoài ra, giảm VAT còn hỗ trợ DN giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. “DN sẽ khó an tâm khi chính sách cứ 6 tháng lại thay đổi một lần, họ dễ rơi vào trạng thái chờ đợi, không chủ động trong chiến lược dài hạn” - ông Nghĩa chia sẻ.
Thứ hai, chính sách giảm thuế VAT lần này mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế, điều này sẽ giúp quá trình thực hiện của các DN cũng dễ hơn, giảm đi sự mập mờ gây khó khăn cho DN khi xác định những mặt hàng được và không được giảm thuế như mấy năm trước.
Cũng theo ông Nghĩa, chi phí vận chuyển dịch vụ logistics là dịch vụ được hưởng mức thuế VAT 8%, là trợ lực lớn cho các DN xuất khẩu trong bối cảnh còn nhiều thách thức như hiện nay.
Người kinh doanh an tâm
Ngoài chính sách tiếp tục giảm 2% thuế VAT, ngày 1-7 vừa qua cũng là ngày thực hiện Nghị định 117, theo đó các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay người bán.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, nghị định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử.
Cũng theo ông Tân, các DN chủ sàn đã phối hợp từ sớm với cơ quan thuế trong giai đoạn xây dựng nghị định, để tránh tình trạng "thuế chồng thuế" và đề xuất hoàn thiện chính sách (như hoàn thuế cho đơn bị hủy, cân bằng chính sách giữa DN trong nước và nước ngoài).
Bên cạnh đó, các sàn đã chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ thu, báo cáo thuế, đảm bảo tính chính xác và minh bạch khi khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng từ 1-7.
Khác với thời gian trước, nhiều người kinh doanh online có biểu hiện né thuế, nay hầu hết lại “thở phào” khi Nghị định 117 có hiệu lực. Theo khảo sát nhanh của ĐTTC, với những người bán hàng trên hai nền tảng Shopee và Tiktok Shop, đều cảm thấy an tâm khi được sàn kê khai, nộp thuế thay.
Anh Nhật Minh, một người kinh doanh trên Tiktok Shop cho biết, giới kinh doanh nhất là kinh doanh nhỏ, ngán nhất là thủ tục kê khai thuế, nay được chủ sàn làm hộ không mất thời gian, lại an tâm không vào diện bị truy thu.
Đồng tình với nhận định này, chị Ngọc, chủ gian hàng quần áo, mỹ phẩm trên cả hai nền tảng Tiktok Shop và Shopee cho biết, nỗi “ám ảnh” với người kinh doanh online thời gian này là truy thu thuế. Bởi con số bị truy thu của nhiều hộ, cá nhân kinh doanh không hề nhỏ.
Song chị Ngọc cũng không khỏi băn khoăn về khoản lợi nhuận đang không ngừng “teo” đi của công việc kinh doanh online này. Bởi để cạnh tranh được trên sàn thương mại điện tử, hầu hết người bán phải hạ giá sản phẩm rất nhiều. Cho đến nay cuộc đua về giá chưa khi nào hết nóng.
Giảm giá bán, đối mặt với việc đổi, trả hàng (đôi khi hàng trả về không còn nguyên vẹn, phải bỏ không thể bán cho người khác) nhưng phí sàn lại liên tục tăng, nay thêm nghĩa vụ thuế, biết là phải làm đúng quy định nhưng áp lực không hề nhỏ.
Việc các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay, không chỉ chống thất thu ngân sách nhà nước mà còn giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, vốn được nói đến rất nhiều trong thời gian qua.
Được biết, năm 2024, ngành thuế cả nước thu được khoảng 116.000 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá số thu chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô mở rộng của loại hình kinh doanh này.
Theo quy định, khi giao dịch mua bán được xác nhận và thanh toán hoàn tất, hệ thống của các sàn sẽ tự động khấu trừ thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân trước khi chuyển tiền cho người bán. Mức khấu trừ cụ thể là 1% VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân đối với hàng hóa; 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân đối với dịch vụ.