Còn nhớ năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến cuộc “đổ bộ” của thương hiệu thời trang đình đám Tây Ban Nha - Zara khai trương tại Việt Nam, việc trải nghiệm mua sắm các sản phẩm hàng hiệu trực tiếp tại cửa hàng có thể coi là “xa xỉ phẩm”, chỉ dành cho những người được ra nước ngoài.
Điều này lý giải cho sự phấn khích của người dân Việt Nam nói chung và các tín đồ thời trang nói riêng, khi hàng trăm người sẵn sàng xếp hàng chờ Zara mở cửa. Nửa thập niên trôi qua, những lựa chọn mua sắm của người Việt đã trở nên vô cùng phong phú.
Các thương hiệu được yêu thích trên toàn thế giới như Zara, H&M, Uniqlo, Decathlon... đều có thể dễ dàng được tìm thấy tại các trung tâm thương mại trong thành phố. Thậm chí, 2 cửa hàng Uniqlo tại Đồng Khởi (TPHCM) và Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) còn nằm trong top 4 cửa hàng lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á.
Nhìn thấy những cơ hội lớn, các thương hiệu quốc tế hàng đầu Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi, MUJI, Haidilao, Uniqlo và Fila… cũng không bỏ lỡ và liên tục mở rộng hệ thống và đều lựa chọn mở cửa hàng trong các chuỗi lớn với vị trí đẹp tại các quận sầm uất của thành phố lớn.
Năm 2020, khi chuyến tàu kinh tế thế giới ì ạch chạy qua “vũng lầy” Covid-19, thì Việt Nam đã sớm cán đích với GDP tăng 2,91%, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương trong năm 2020.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại mức 6,3% trong năm 2021. Trong bức tranh chung về sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế, thì bán lẻ được xem là một trong những mảng màu tươi sáng nhất.
Tổng cục Thống kê cho biết, dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD trong năm 2020. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
Chính vì vậy sự trở lại của dịch Covid-19 vào tháng 2-2021 vừa qua không có nhiều tác động đến các dự báo tăng trưởng của năm 2021. Theo Trading Economics, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo có sức bật mạnh mẽ nhất với mức tăng trưởng doanh thu đạt 11% trong năm 2021, vượt xa các nước Đông Nam Á khác.
Việt Nam cũng là thị trường xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong các năm trở lại đây. Những tín hiệu lạc quan càng rõ rệt khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Việt Nam đã nhập vaccine về để sử dụng. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn “rã đông” nền kinh tế thì Việt Nam đã chứng tỏ sức phục hồi.
Sự hiện diện ngày một dày đặc của những thương hiệu quốc tế lớn cũng là một minh chứng rõ rệt cho sức hút của thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, hãng thời trang giá trị nhất thế giới - Uniqlo vừa khai trương cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam chỉ sau 14 tháng gia nhập thị trường.
Ngay cả những thương hiệu xa xỉ và kén khách cũng không bỏ lỡ, đó là hai thương hiệu cao cấp Louis Vuitton và Christian Dior mở thêm cửa hàng flagship store tại Hà Nội. Trong khi đó, đối thủ của “ông vua thời trang” Uniqlo là H&M cũng tự tin mở thêm 2 cửa hàng tại Hạ Long và Cần Thơ, nâng tổng số cửa hàng H&M tại Việt Nam lên 11, trong khi đã vừa phải đóng cửa 250 cửa hàng trên toàn cầu do Covid-19.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Theo một báo cáo của Ipsos về hành vi của người tiêu dùng sau giãn cách xã hội, 55% người Việt vẫn tin rằng kinh tế nước nhà sẽ tốt lên trong giai đoạn 6 tháng.
Con số này ở các nước khác trong khu vực (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) là 45%. Nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ thu hút dòng chảy đầu tư của các thương hiệu quốc tế trong năm 2021, đặc biệt trong mảng bán lẻ nhờ sức bật mạnh mẽ sau những “dồn nén” của dịch bệnh.