Hướng đi các CTCK
Hiện có khoảng 72 CTCK được cấp phép đang hoạt động trên TTCK Việt Nam, chủ yếu hoạt động theo 2 mô hình: ngân hàng (NH) đầu tư chuyên biệt và NH đầu tư tổng hợp. Trong top 20 CTCK hàng đầu hiện nay, không tính đến các công ty có nguồn vốn nước ngoài, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)… là những CTCK hoạt động theo mô hình NH đầu tư chuyên biệt. Trong khi đó, các CTCK như SHS, BSC, MBS, PSI, VPS hoạt động theo mô hình NH đầu tư tổng hợp, với đặc điểm có NH mẹ là NHTM hay tập đoàn có sở hữu NH đứng sau.
Hoạt động MGCK đã và đang bước sang giai đoạn phát triển mới, khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động kể từ tháng 8-2017. Cùng với đó, các sản phẩm phái sinh như Hợp đồng tương lai VN30, Chứng quyền có đảm bảo (CW), hay hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm và còn nhiều sản phẩm sẽ được đưa vào áp dụng.
Nhân viên môi giới cơ hữu sẽ giảm
Nhân viên môi giới cơ hữu sẽ giảm
Số lượng MGCK hay các Broker đã và đang thay đổi rất nhiều về lượng cũng như là về chất. Các giai đoạn 2005-2007, 2009-2010 và 2012-2015 đánh dấu bước chuyển mình khối dịch vụ chứng khoán của các CTCK khi không ngừng tuyển mộ các nhân viên môi giới. Các công ty như SSI, HSC, VNS, MBS vẫn đứng đầu trong top các công ty có số lượng môi giới đông đảo. Nhưng giai đoạn 2017-2019, số lượng người hành nghề MGCK cơ hữu đã bắt đầu có xu hướng giảm, thậm chí giảm mạnh từ năm 2020 trở đi.
Riêng mảng MGCK cũng được tách thành 2 mảng riêng biệt, đối với 1 CTCK lớn là môi giới khách hàng cá nhân và môi giới khách hàng tổ chức. Cả 2 bộ phận này đều có xu hướng tinh gọn và được các công ty tập trung đầu tư cho chất lượng cũng như hệ thống sản phẩm tư vấn hơn là số lượng. Trong những giai đoạn thăng trầm của TTCK, số lượng MGCK khách hàng cá nhân biến động nhiều nhất.
Môi giới chứng khoán hiện nay phải nâng cấp toàn diện.
Sản phẩm tư vấn đầu tư tự động
CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) đã xây dựng nhóm phân tích và tư vấn cho khách hàng cá nhân, với mục tiêu thử nghiệm các sản phẩm tư vấn, đào tạo, các buổi nói chuyện về vĩ mô, ngành, cơ hội đầu tư dưới hình thức trực tuyến. Dựa trên hệ thống xếp hạng cổ phiếu lớn, chọn lọc top các cổ phiếu được khách hàng tổ chức mua nhiều nhất, hay top các cổ phiếu mạnh nhất dựa trên các nhóm tiêu chí cơ bản và kỹ thuật, HSC muốn hướng đến phục vụ cung cấp thông tin, báo cáo, tư vấn trực tiếp cho đại bộ phận khách hàng cá nhân thông qua nhóm chuyên gia có kinh nghiệm, để trong tương lai có thể giảm số lượng gần 400 môi giới cá nhân hoạt động tại hội sở và các chi nhánh trên toàn quốc.
Đối với CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDs), chính sách dành cho MGCK đã thay đổi. Họ đã bắt đầu hạ số lượng môi giới và đầu tư nhiều cho công nghệ, hệ thống báo cáo phục vụ khách hàng. Hoặc CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đã đầu tư sản phẩm I-Broker hướng tới cung cấp tự động các tư vấn đầu tư, thông tin thị trường, điểm mua các cổ phiếu để hỗ trợ khách hàng. Nhiều CTCK khác như FPTs, TCBs, VPs cũng đang tăng trưởng đầu tư và thay đổi chiến lược hoạt động đối với khối MGCK.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh TTCK có những thay đổi mạnh về quy mô về lượng và chất kèm theo nhiều sản phẩm tài chính được triển khai. Việc tập chung chất lượng tư vấn, hệ thống chọn lọc cổ phiếu sẽ là ưu tiên hơn so với việc phát triển số lượng môi giới như các thời kỳ trước. Điều này không chỉ giúp các CTCK tiết kiệm được nguồn lực, chi phí nhân sự nâng cao hiệu quả kinh doanh, còn hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Quá trình thanh lọc liên tục diễn ra
Quá trình thanh lọc liên tục diễn ra
Giai đoạn bùng nổ 2009, 2013-2017, số lượng các nhân viên môi giới của các CTCK vào lúc đỉnh điểm như SSI có hơn 600 nhân viên, HSC có hơn 400 nhân viên, VNS, MBS cũng hàng trăm người. Nhưng hiện nay số lượng nhân sự này đã giảm mạnh. Mảng MGCK không phải là mảng kinh doanh mang lại doanh thu lớn nhất nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Có lẽ chỉ các CTCK top đầu như SSI, VCSC, HSC - nơi thị phần môi giới khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức lớn - mới có thể có phần của “miếng bánh”, trong khi các CTCK nhỏ sẽ hơn khó cạnh tranh hơn về thị phần.
Nhân viên môi giới muốn có thu nhập tốt phải nhờ vào các deal đem cổ phiếu về CTCK để giao dịch, hoặc có thể trading trên các tài khoản ủy thác của khách hàng, mới kỳ vọng có phí giao dịch tốt. Còn nếu chỉ nhờ vào các phí giao dịch của khách hàng cá nhân, khi TTCK lên xuống thất thường, sẽ khiến NĐT giao dịch thận trọng hơn và không phải lúc nào khách hàng cũng có thể giao dịch liên tục được. Quy mô thị trường ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp niêm yết, CTCK tăng kinh doanh, vốn khả dụng, số lượng MGCK lại càng đông đảo. Số lượng đông nhưng chưa có chất lượng, TTCK sẽ sàng lọc MGCK ưu tú để có thể tồn tại với nghề lâu dài hơn.
Đi kèm mảng quản lý tài sản
Đi kèm mảng quản lý tài sản
Hiện nay các yêu cầu mở tài khoản, đặt lệnh cho khách hàng đối với MGCK khắt khe hơn. Theo đó, MGCK không chỉ cung cấp thông tin còn có thể tư vấn đầu tư được, thậm chí có khả năng quản lý các tài khoản ủy thác. Khách hàng VIP, lớn ngày càng yêu cầu chất lượng tư vấn cũng như khả năng tư vấn quản lý đầu tư của các nhân viên môi giới. Nghề MGCK ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Nhân viên không chỉ am hiểu về TTCK, phân tích vĩ mô, phân tích cơ bản, còn cả phân tích kỹ thuật, các kỹ năng mềm, khả năng thuyết trình, am hiểu tâm lý NĐT. Tiêu chí lựa chọn CTCK để mở tài khoản giao dịch cũng sẽ không chỉ dựa trên phần mềm, các sản phẩm, tiện ích hay danh mục cho vay margin mở rộng, mà điều kiện tiên quyết là các tư vấn đầu tư mang lại hiệu quả cho khách hàng.
Hoạt động MGCK sẽ càng được chuẩn hóa sử dụng công nghệ với hàm lượng chất xám cao đang thay đổi định hướng chiến lượng phát triển của các CTCK. Chỉ các CTCK có tiềm lực tài chính, nhiều tham vọng cũng như biết chớp thời cơ và định hướng phát triển dài hạn mới có thể tồn tại và phát triển mạnh trên thị trường.