Cô đơn trầm trọng vì Covid-19
Kathie Hodgson, 41 tuổi, một giáo viên sống độc thân sau khi ly hôn nói, chị đã từng rất vui mừng được sống một mình trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, vì có thể tận hưởng thời gian của mình với bạn bè bất cứ khi nào chị muốn. Nhưng giờ đây, khi bị “giam” trong căn hộ của mình suốt 24 giờ mỗi ngày, chị cảm thấy trống rỗng một cách sâu sắc. Hodgson chia sẻ, chị đã nhiều ngày tự hỏi nếu cứ như thế này nhiều tháng liền liệu có thể chịu đựng được không.
Trước đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế công cộng đã đặt vấn đề lo ngại về bệnh cô đơn ở người dân Mỹ, song dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm vấn đề xã hội đó. Đối với 35,7 triệu người Mỹ sống một mình, “cách ly xã hội” đồng nghĩa với việc trong nhiều tháng trời họ chỉ quanh quẩn trong nhà hoàn - toàn - một - mình.
Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh virus corona mới được cảnh báo có thể “ở lại với nhân loại mãi mãi”, tình trạng “cô đơn cấp tính” có thể chuyển sang mãn tính với những hậu quả lâu dài. Một nhóm các bác sĩ từ Bệnh viện nhi Boston và Trường Y Harvard đã cảnh báo rằng, sự xa cách và căng thẳng do đại dịch gây ra, kết hợp với các giao dịch mua bán súng gia tăng, có thể làm gia tăng các vụ tự tử vốn đã là vấn đề trầm kha trong xã hội Mỹ suốt những thập niên qua.
Các nhà khoa học cho rằng khó phân định cô đơn là triệu chứng hay là nguyên nhân của một vấn đề sức khỏe lớn hơn. Bởi nếu ai đó rút lui, co mình trong “vỏ ốc” là vì họ chán nản, hay bị trầm cảm nên tự “cô đơn hóa”. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy sự cô đơn mãn tính có mối liên hệ rõ ràng với một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm chứng mất trí, trầm cảm, lo lắng, tự làm hại, bệnh tim và lạm dụng chất gây nghiện.
Dữ liệu thống kê gần đây nhất của Công ty bảo hiểm sức khỏe Cigna cho thấy, trong khi chỉ có 14% người Mỹ trưởng thành và khoảng 5% thanh thiếu niên trung học hút thuốc lá, thì có đến khoảng 60% người Mỹ trưởng thành cảm thấy cô đơn ở mức độ nào đó, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Cuộc điều tra tháng 4 của Công ty tư vấn xã hội SocialPro cũng cho biết, kể từ khi áp dụng lệnh cách ly xã hội, khoảng 1/3 người Mỹ trưởng thành cho biết cảm thấy cô đơn hơn bình thường. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày mối nguy, bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào đều có thể trải nghiệm sự cô đơn. Khảo sát của SocialPro trên 1.228 người trong độ tuổi từ 18 đến 75, cho thấy ít nhất 20% số người được hỏi từ mỗi nhóm tuổi trả lời họ cô đơn hơn bình thường do corona virus.
Không phải chỉ những người ở một mình mới cô đơn. Caitrin Gladow đã dành 2 tháng “cách ly xã hội” tại New Orleans cùng với chồng và 3 đứa con nhỏ. Nhưng chị cho biết “chưa bao giờ cảm thấy cô đơn hơn thế”. Vừa xoay như chong chóng giữa việc nhà, dạy học online và nuôi dạy con cái, vừa phải đối phó với tình trạng căng thẳng, lo lắng và đau buồn khi mất mát người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong đại dịch, Gladow cảm thấy cạn kiệt năng lượng.
“Ngay cả trong một ngôi nhà đầy những đứa trẻ đang la hét mà tôi yêu quý, tôi cảm thấy mình đặc biệt dễ bị tổn thương. Tôi cảm thấy một áp lực không thể nói ra được, tuy cố gắng không để những người thân thất vọng, nhưng tôi như có gì đó vụn vỡ” - chị chia sẻ.
Khoảng trống không lấp được bằng công nghệ
Trong những ngày đại dịch, công nghệ nổi lên như một giải pháp. Tuy nhiên, nó chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Các nền tảng trò chuyện video như Zoom đang ngày càng phổ biến, bên cạnh đó các mạng truyền thông xã hội đều tìm cách để tăng cường kết nối bạn bè. Instagram vào tháng 3 đã giới thiệu tính năng mới, cho phép bạn bè xem các bài đăng cùng nhau qua trò chuyện video.
Tại bang Maryland, một chương trình cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tự động hàng ngày cho người cao niên đã ra đời, bất kỳ người cao tuổi nào đăng ký cũng sẽ nhận được những cuộc gọi điện thoại tư vấn từ một tình nguyện viên, ít nhất mỗi lần một tuần. Một nhóm sinh viên đã xây dựng nền tảng đối thoại ảo Quarantine Buddy đã thu hút 600 người ở 15 quốc gia, trong độ tuổi từ 18 đến 80 đăng ký.
Một nghiên cứu cho thấy không phải ai cũng được hưởng lợi từ các tương tác kỹ thuật số. Các công cụ như trò chuyện video và tin nhắn có thể giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn, đặc biệt là nếu họ không thể giao tiếp xã hội. Ngược lại, đối với những người trẻ, phương tiện truyền thông xã hội lại là lời nhắc nhở đau đớn về những người thân yêu của họ. Trong cuộc khảo sát gần đây của ValuePenguin, 10% số người được hỏi cho biết, các cuộc trò chuyện video chỉ khiến họ cảm thấy cô đơn hơn mà thôi.
“Dẫu sao, trong bối cảnh chưa có những lựa chọn khác, mọi người vẫn nên tận dụng các nền tảng số. Tình trạng căng thẳng liên quan đến sự cô đơn có thể kích hoạt tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó làm trầm trọng thêm các căn bệnh mãn tính. Tương tác xã hội cũng hết sức quan trọng không kém gì các hành vi thể chất như ngủ đủ giấc, tập thể dục, tập yoga hoặc thiền và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Giao tiếp qua mạng vẫn có thể tạo ra cảm giác được hỗ trợ và những lợi ích nhất định về sức khỏe tâm thần” - Rudolph Tanzi, Phó Chủ nhiệm khoa Thần kinh và Giám đốc Viện Nghiên cứu di truyền và lão khoa của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts khuyến nghị.